Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Địa lan kiếm, thú chơi lan cổ xưa

Xưa kia ở Việt Nam hay Trung Quốc, người chơi lan chỉ chú trọng đến địa lan Kiếm. Các loài địa lan Kiếm mọc trong rừng sâu, được tuyển lựa đưa về các vườn Thưởng uyển do các "Lan quan" chăm sóc. Sau đến dinh các vị quan lại, các mảnh vườn của các nhà văn hoá lớn, các nhà giàu có, dần dần thành một ngành trồng trọt trong dân, bên cạnh một ngành săn lùng lan trong rừng sâu, núi cao. Thậm chí thú chơi lan còn được đánh giá cao hơn cả thú chơi trà với câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”. 


Người nổi danh nhất trong giới chơi lan của Việt Nam là vua Trần Anh Tông (thế kỷ XIII) có Ngũ Bách Lan Viên "Vườn 500 chậu lan". Các loài địa lan Kiếm tồn tại trong các thảm rừng ở Việt Nam tới ngày nay chỉ có 5 loài, có tên khoa học: Cymbidium Cyperifolium, Cymbidium Ensifolium, Cymbidium Insigne, Cymbidium Lancifolium và Cymbidium Sinense. Chúng bao gồm các giống lan có mầu tím sẫm, màu lục, mầu trắng, mầu vàng v.v… như: Đại Mặc, Hoàng Vũ, Thanh Trường, Bạch Ngọc v.v…

Lan kiếm bạch ngọc

Địa lan Kiếm hoa nhỏ và không rực rỡ, hương thơm dịu nên chưa thực hấp dẫn nhiều người dân Việt Nam như hoa hồng, hoa sen, hoa huệ, hoa cúc. Vì vậy các tao nhân mặc khách yêu lan thường tự hào với nhau về câu nói cổ xưa: Thức giả thị bảo, Bất thức giả thị thảo ( Biết thì quý như báu vật - không biết thì coi như cây cỏ). Cũng lý do đó địa lan Kiếm không phải là loài cây hoa mang tính hàng hoá như: cúc, sen, hồng, huệ v. v… Mỗi gia đình yêu lan chỉ trồng độ 5, 10 chậu, sớm chiều nâng niu chăm sóc. Khi có hoa nở lại tụ họp, trà quý, rượu ngon, những bài thơ hay được mang ra bình phẩm thâu đêm. Địa lan Kiếm là vật biếu, quà tặng rất quý giá. Thường địa lan kiếm không bao giờ cắt cành để cắm lọ. Với quan điểm 11 tháng chơi lá, 1 tháng chơi hoa nên chậu địa lan Kiếm không có hoa vẫn là một vật trang trí lịch sự trong các phòng khách.

Cố nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong truyện ngắn “Hương Cuội”: “Tôi tự biết không chăm được lan Bạch ngọc. Công phu lắm ông ạ. Gió mạnh là gẫy, nắng già một chút là héo, mưa nặng hột là nẫu cành. Bạch ngọc thì đẹp lắm, nhưng giống nhẹ nhàng ấy yểu lắm. Chăm như chăm con mọn. Chiều chuộng quá, như con cầu tự, lầm lỡ một chút là chúng đi ngay. Những quí vật ấy không chịu ở lâu bền với người ta…”



Tâm lý thích truyền thống, không ca ngợi biến dị nên có lẽ các giống địa lan Việt Nam còn giữ nguyên gốc tự nhiên như cánh hoa lá trúc, lá một màu lục biếc. Vài giống có biến dị về lá như Mặc biên (có viền ở lá) không quý bằng Đại mặc hoặc Ngân biên, Kim biên có viền trắng, viền vàng ở mép lá, không quý bằng Bạch Ngọc Đại Kiều v.v…

Địa lan Kiếm có các đặc thù chung như sau: Lá lan hẹp bản, dài, lả lướt, đầu nhọn. Ba cánh đài của hoa xoè rộng, hai cánh hoa hơi úp lại, che phía trên của nhuỵ hoa tránh mưa gió, liên tưởng lại giống như hai tay đưa ra thi lễ. Cánh môi hoa thường cong, trên mặt hoa có điểm các màu. Cành hoa thẳng từ dưới lên, hoa nở khá bền (10 đến 30 ngày) nhiều loài hoa rất thơm, hương thơm dịu dàng.

Người xưa quan niệm chăm sóc lan là các hoạt động lí trí mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ và tình cảm. Thường người xưa hiểu thưởng thức địa lan Kiếm trong 4 chữ: Hương, Sắc, Tư, Vận

- Hương lan Kiếm được tôn là Vương giả chi hương, thiên hạ đệ nhất hương, hương thanh, không hắc, nhưng đậm đà, khó quên, thoắt ẩn thoắt hiện, như gần như xa.
- Mầu sắc của hoa lan là mầu sắc của 3 cánh đài, của 2 cánh hoa, của cánh môi, của họng hoa, của lá. Thiên nhiên đã vô cùng tỉ mỉ tuyển lựa mầu, tô vẽ cho các phần của hoa rất phong phú, nhưng thanh nhã không quá sặc sỡ.
  Luận về ý nghĩa mầu sắc của hoa lan được ghi rõ như sau:
           Mầu trắng: thanh khiết, trang nhã, cao quý.
           Mầu trắng ngà: dịu dàng, thanh cao, duyên dáng
           Mầu hồng, màu đỏ: rực rỡ, nồng nhiệt, may mắn.
           Mầu lục: thanh tân, tao nhã, sống động, hấp dẫn.
           Mầu tía: yêu kiều, đằm thắm, dịu dàng, chân thành
           Mầu tím: thanh cao, đằm thắm, mộng mơ.
           Mầu vàng: trong sáng, thần bí, kiêu sa, thanh nhã.
           Mầu hồng đỏ: huy hoàng, hào hoa.
           Mầu đen: tráng lệ, uy nghiêm, thần bí, độc đáo.
           Nhiều mầu: sặc sỡ, phồn vinh - hoa lệ.
           Pha lê trên cánh hoa (và trên lá): Kỳ diệu, lung linh, cao quý, trong sáng, ngọc ngà.
- Tư là dáng vẻ của cây địa lan Kiếm được đánh giá thanh cao cốt cách, phong độ hiên ngang, nhưng vẫn rung rinh trước gió, hài hoà giữa cương và nhu. Địa lan Kiếm, có cành hoa thẳng, lá lan dài lả lướt rất thích hợp với nét vẽ mực mài bút lông nên các hoạ sỹ Đông Á tha hồ múa bút để biểu đạt lý tưởng và tình tứ, hình dáng và tinh thần gắn liền nhau, ý nghĩa rất sâu sắc.
- Vận là chỉ ý vị của địa lan Kiếm, chiêm ngưỡng lan dần dần sẽ tự thấy có sự thống nhất cái đẹp bên ngoài của cây lan với "cái thần" thẳm sâu bên trong.

Chiêm ngưỡng hoa địa lan Kiếm cần có tâm hồn thư thái, bình tĩnh, ngồi lâu thấm thía dần dần: sắc nhã, hương dịu, dáng thanh. Điều này rất thích hợp với người cao tuổi, nhàn nhã - như vậy địa lan Kiếm đã nở hoa phục vụ các vị lão thành rồi. Yêu lan lắm, quý lan nhiều nên người ta cũng trách lan như trách người yêu: Hương lan, người ngọc hay lơ lững! Chợt có rồi không đến ngỡ ngàng!


Với người già có thú chơi lan, tâm hồn cũng trẻ hơn lên: Sắc mầu tươi thắm, lan sau trước. Hương ngát quanh năm, mãi chẳng già. Về mặt tâm lý, người cao tuổi chơi lan luôn luôn thấy những bông hoa lan này đang rực rỡ, nhưng lại có các nụ lan kia sắp nở  và rồi người ta mong đợi ngày mai, không sợ ngày mai, không còn thấy những chuỗi ngày dài lê thê buồn, vì luôn luôn có lan nở và lan sắp nở bên mình.

Địa lan kiếm có 11 là các dòng, tuy vậy chỉ có 6 dòng được tôn vinh và chăm sóc: Xuân lan (Cymbidium Goeringii), Xuân Kiếm (Cym Longibracteatum) Kiến Lan (Cymbidium Ensifolium), Mặc lan (Cymbidium Sinense), Hàn lan (Cymbidium Karan). Mỗi dòng lan kiếm như vậy lại chia ra nhiều loại lan kiếm khác nhau.

Cho đến nay ở Hà Nội, địa lan Kiếm chỉ chiếm chừng 10% trong các vườn lan (30% là phong lan rừng, 60% là phong lan lai đã được nuôi trồng công nghiệp hoá). Nhưng địa lan Kiếm truyền thống Việt Nam như: Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Thanh Trường, Đại Mặc, Trần Mộng, Tứ Thời hay Bạch Ngọc đại Kiều, Tiểu Kiều v.v… vẫn luôn có chỗ đứng cho riêng mình.

Địa lan Kiếm phát triển tốt ở nhiệt độ từ 10°C đến 30°C. Đặc biệt chúng cần đêm lạnh xuống dưới 15°C và ban ngày trên 25°C để hình thành mầm hoa. Do đó chỉ ở phía Bắc của Việt Nam mới có thú chơi địa lan Kiếm.

Ngày nay hàng ngàn giống địa lan Kiếm của Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã được lai tạo với mầu sắc sặc sỡ, hoa to bền. Với sự mới lạ và quý hiếm, ngày nay những dòng lan mới đang tiếp bước thú chơi lan cổ ngày xưa. Chơi lan là một thú vui tao nhã, người chơi lan có thời gian thư thả, từ những việc nho nhỏ như trồng cây, tưới cây, chăm lá cũng giúp chúng ta quên đi những xô bồ của cuộc sống. Người chơi lan có bạn chơi lan, một thú chơi đầy tính nghệ thuật từ xưa đến nay.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét