Lan Đai Châu tượng ý là một đai châu báu. Lan đai châu còn được biết đến với những cái tên là: lan Ngọc điểm - lung linh như điểm ngọc, lan nghinh xuân - lan đón xuân, lan me - cây thường bám trên những cây me ... Lan đai châu có tên khoa học là Rynchostylis gigantea, là loài mà bất kỳ ai dù mới chơi hay chuyên nghiệp đều ưa chuộng vì cây khỏe, dễ chăm , mặt hoa đa dạng , hương thơm quyến rũ và đặc biệt là hoa nở vào đúng dịp Tết Nguyên Đán.
Lan Đai châu là loài cây khỏe chống lại nhiều loại sâu bệnh, cây ưa rộng rãi, thoáng gió để phát triển. Cây dễ thích nghi với điều kiện sống mới, chỉ cần tưới giữ ẩm , để cây ăn nắng 50-70% là tốt nhất. Tránh sự thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm quá cao nếu không lan sẽ khó ra hoa.
Lan đai châu trắng tím |
Lan Đai Châu nhân giống bằng hạt mọc rất mạnh, nhưng nuôi cấy mô lại tương đối khó khăn. Lan đai châu giống nhỏ giá cả không quá cao, hàng cân thì giao động khoảng 500k/kg. Nhưng để trồng được một chậu lan to khủng để chơi tết thì giá cả đến cả trăm triệu thì không hề dễ. Nó đòi hỏi công sức và kinh nghiệm trồng lan. Nhiều người chơi còn đầu tư cả gỗ lũa đỉnh để ghép đai châu, tạo ra những giò đai châu đỉnh và đẹp xuất sắc.
Mùa hè, lan đai châu thích ẩm và nước, có thể tưới nước 2-3 lần một ngày nếu trồng lan đai châu ghép trên gỗ. Nếu trồng trong chậu với vỏ cây hay than củi thì có thể tưới 2-3 lần một tuần nhưng phải để cho khô rễ giữa 2 lần tưới và không được để rễ cây bị úng nước trong chậu.
Lan Đai Châu có bộ lá dầy khỏe. Sức mạnh của lan đai châu không ngoa khi nói phần lớn ở chính bộ lá. Dù có chặt hết rễ, chỉ cần phun nước đủ, ánh sáng phù hợp là cây lại ra rễ tua tủa. Lá của lan đai châu hấp thụ phân bón lá hay nước rất tốt. Bộ lá dầy cũng góp phần giúp cây không bị cháy nắng, không bị cháy lá do bón phân. Muốn lan đai châu khỏe mạnh, ngoài việc giữ bộ rễ không bị úng thì giữ bộ lá xanh mượt là điều vô cùng quan trọng.
Lan đai châu có thời kỳ nghỉ ngơi, đó là vào mùa đông. Phải ngưng tưới nước bón phân hoặc tưới rất ít suốt mùa đông và cần phải để khô lá và rễ trước khi trời tối. Nếu không tôn trọng chế độ nghiêm ngặt đó lan sẽ không ra hoa hoặc sẽ chết.
Chỉ bón phân và tăng tưới nước khi thấy cây bắt đầu mọc lá hay đầu rễ có mầu xanh lại. Bón hàng tuần với ½ hay ¼ thìa cà phê gạt cho 4 lít nước. Phân bón có thể là 30-10-10 cho mùa xuân và mùa hè, đổi sang 10-20-30 vào cuối hè và thu, hoặc có thể dùng 20-20-20 quanh năm.
Nếu trồng trong chậu có thể bỏ thêm các miếng vỏ cây hoặc than cỡ lớn từ 4-5 cm trở lên. Khi trồng trong chậu đất nung có nhiều lỗ, muốn bộ rễ đỡ tổn hại và gọn gàng thì có thể ngâm cây vào trong nước chừng 1 giờ, khi rễ đã mềm, bỏ vào trong chậu và xoay theo chiều kim đồng hồ hay ngược trở lại, rể sẽ bám vào chung quanh chậu.
Thông thường Nghinh xuân nở hoa vào cuối mùa đông hay đầu mùa xuân và vào dịp Tết Nguyên Đán. Khi thấy lan nghinh xuân ra nụ, có thể tưới sơ qua hoặc tăng thêm độ ẩm. Việc dùng thuốc kích lan đai châu nở hoa sớm hay muộn khá khó. Thường năm trước cây nở hoa tầm nào thì năm sau cây sẽ ra hoa tầm thời gian đó. Thường chỉ có thể can thiệp bằng nhiệt độ của môi trường sống. Nếu muốn lan chậm nở hãy mang vào chỗ rợp mát. Muốn lan nở sớm hơn hãy tăng thêm nhiệt độ hay là mang vào trong nhà để dưới ánh đèn, nhưng cần thoáng gió và độ ẩm.
Hiện nay, lan nghinh xuân có nhiều mầu sắc để cho người chơi lan và người sưu tầm thưởng thức. Thậm chí với những cây nghinh xuân đột biến trắng muốt độc lạ khiến mọi người thích thú. Đây được coi là loài lan truyền thống đẳng cấp, một loài hoa to, đẹp, thơm và luôn nở vào dịp tết.
Bụi lan đai châu khủng |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét