Địa lan Sato là một loài địa lan có tên khoa học là Cymbidium Hibrid thuộc chi lan kiếm. Cây có nguồn gốc từ Tây Nam Trung Quốc. Địa lan Sato cho hoa có màu sắc đa dạng như vàng hoàng hậu, vàng mít, xanh cốm, đỏ, hồng, cam, trắng, tím... Hoa khum khum khum như trái trứng, hoa bền 2-3 tháng nhưng không có hương thơm.
Địa lan Sato cho hoa to đẹp nên yêu cầu dinh dưỡng và điều kiện nuôi trồng tốt. Cây mọc thành bụi cần được trồng vào chậu đủ rộng để cây có thể phát triển và sinh trưởng tốt. Địa lan Sato nở hoa vào dịp tết nên rất được ưa chuộng chơi xuân.
Cách trồng và chăm sóc địa lan Sato
Địa lan Sato ưa khí hậu mát mẻ, tuy vậy cây vẫn có thể trồng lại ở vùng khí hậu nóng dù rằng sẽ khó khăn hơn đôi chút.
Giá thể trồng địa lan Sato phải đảm bảo yêu cầu thoáng ẩm, không ướt và giàu dinh dưỡng. Một số nguyên liệu được dùng để phối trộn làm giá thể trồng địa lan như: vỏ trấu, vỏ thông, than củi, vỏ lạc, phân dê. Không nên trồng với các loại giá thể dễ mủn và giữ ẩm quá nhiều như rêu.
Chọn chậu thoáng, lót xốp, vỏ thông to hoặc than củi to vào 1/4 chậu, sau đó cho tiếp hỗn hợp giá thể lên đến 2/3 chậu. Đặt cây con vào chính giữa chậu rồi cho tiếp lớp giá thể vừa phủ rễ cây con. Cuối cùng là một lớp rêu, dớn trên bề mặt để giữ ẩm. Trồng để củ cao hơn mặt giá thể chống thối củ, độ ẩm chỉ cần 60%.
Ánh sáng và gió cho địa lan Sato:
Địa lan Sato ưa ánh sáng vừa phải, thiếu nắng cây không phát triển, thừa nắng cây cũng kém phát triển, nắng gắt và nóng cây dễ héo lá thối ngọn. Cây địa lan Sato cần ánh sáng tán xạ. Trong những tháng mùa hè, cần có lưới che bớt ánh sáng ở vườn trồng. Hoặc có thể trồng cạnh cửa sổ hoặc hiên nhà có mái che.
Nhiệt độ: 18-25 độ C. Hợp với khu vực mát mẻ như Mộc Châu, Đà Lạt, SaPa. Lan ưa nhiệt độ không quá rét hay quá nắng, còn ở miền xuôi nuôi vẫn trồng được nhưng sẽ khó giữ có điều kiện tốt nhất để cây sinh trưởng phát triển.
Cây địa lan Sato phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ từ 24 – 29 độ C. Vào thời kỳ ra hoa, nhiệt độ ban đêm cần phải lạnh từ 10 – 15 độ C để cây phát triển chồi hoa. Nhiệt độ tối ưu cho cây vào thời kỳ chuẩn bị ra hoa là khoảng 7,5 - 13 độ C vào ban đêm và 18 – 24 độ C vào ban ngày. Sau khi cây đã có chồi hoa, nên duy trì nhiệt độ trong khoảng từ 13 – 24 độ C để cành hoa phát triển tốt.
Cần đảm bảo rễ cây luôn ẩm nhưng không được ướt lâu, không được để cho cây bị quá khô rễ. Tăng lượng nước tưới trong giai đoạn cây phát triển, nhất là sau khi ra hoa. Khi cây đã phát triển hoàn toàn (khoảng tháng 9 Âm lịch) giảm lượng nước tưới, chỉ cung cấp lượng nước tối thiểu trong khi cây chuẩn bị ra chồi nụ. Khi có chồi nụ thì phải tưới đủ nước cho cành hoa phát triển tốt nhất. Có thể theo dõi lượng nước cần tưới qua việc nhìn lá cây lan, nếu cây khỏe mạnh bị thiếu nước, lá sẽ hơi nhăn, khi tưới nước, lá cây sẽ căng trở lại.
Với những bạn chơi lan sau tết muốn trồng lại tốt nhất sau rằm nên cắt hết hoa đi, dù cho hoa vẫn còn chơi được. Cắt hoa để giữ lực cho cây hồi. Để cây kiệt lực quá thì sẽ khó phục hồi phát triển, cây dễ thối. Chú ý nhiều cây bị thanh sắt cố định hoa đâm vào củ, những vết đâm đó dễ bị nước vào và gây thối củ, muốn trồng lại thì khi tưới tránh tưới vào những vết thương đó.
Khi trồng nên cắt bỏ khoảng 1/2 bộ rễ. Loại bỏ những rễ hỏng, tỉa bớt lá, để khô rễ, có thể khử trùng và ngâm kích thích ra rễ.
Trong thời kì đầu, từ khi lan Sato nảy mầm đến lúc giả hành phát triển hoàn chỉnh thì đạm là nguyên tố cây cần nhiều nhất, có thể dùng thêm phân chuồng cho cây giai đoạn này. Trong giai đoạn cây chuẩn bị ra hoa nên sử dụng phân bón có hàm lượng P cao, K thấp hơn để cây có đủ dinh dưỡng tạo chồi nụ và ra hoa. Trong quá trình chăm sóc, bạn nên kết hợp thêm các loại phân hữu cơ, phân vi sinh để bón gốc. Khi cây đã ra hoa, tuyệt đối không nên phun phân bón lá vì dễ làm thối và hư hoa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét