Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Lan Hoàng Lạp - Dendrobium Chrysotoxum

Lan Hoàng lạp có tên khoa học làDendrobium Chrysotoxum.  Lan hoàng lạp thuộc chi hoàng thảo. Trong tiếng hán, Hoàng Lạp chính là Sáp Vàng. Cây có các tên gọi khác như: hoàng lan, nến vàng, thủy tiên hoàng lạp. Lan hoàng lạp là loài lan dễ trồng, dễ chăm sóc và hoa cũng rất đẹp. 


Lan hoàng lạp

Hình dáng và đặc điểm hoa của lan hoàng lạp

Về hình dáng: lan hoàng lạp có gốc thóp bé, thân rất cứng, tròn bóng, có nhiều rãnh dọc, phình ở giữa, cao khoảng 6-30 cm, có 2-5 đốt/thân. Thân non có lớp vỏ màu trắng, thân trưởng thành sẽ dần bong lớp màng đó và màu vàng pha hơi xanh, thân già mầu sẽ vàng nhiều hơn. Cây thường có 2-5 lá/thân. 

Về hoa: Lan Hoàng Lạp buông chùm hoa khoảng 15-20 cm mọc ở gần ngọn, mỗi chùm hoa gồm nhiều bông cỡ 3-4 cm. Hoa màu vàng, môi hoa tròn, phần trung tâm của môi hoa màu vàng sẫm hơn, mịn như nhung và có thể có các vạch gân đỏ. Hoa nở vào mùa xuân khoảng tháng 3 âm lịch, mùa hoa thường kéo dài 1 tháng. Lan hoàng lạp đẹp và thơm mùi mật ngọt. Nhưng độ bền hoa không cao chỉ 7-10 ngày.

Hoa lan hoàng lạp

Cách trồng và chăm sóc lan hoàng lạp

Lan hoàng lạp là dòng lan khỏe, ưa ánh sáng mạnh, khoảng 70-80% ánh sáng là thích hợp, không đủ nắng cây không ra hoa, hoặc ít bông, cây không lực khiến bông nhanh tàn. Lan hoàng lạp ưa ẩm, thích tưới nhiều, phù hợp với những giá thể giữ ẩm tốt. Tuy nhiên giá thể phải đảm bảo sạch. Mầm non của cây có bao ngoài giữ nước. Vì thế khi cây có mầm non, lá non thì không tưới vào mầm, tránh thối nhũn khi gặp nắng gắt. Chỉ khi cây cứng cáp lớn khỏe mới ăn được nắng mạnh.

Với lan hoàng lạp mới mua về nên cắt bớt rễ, rửa sạch, ngâm thuốc kích rễ B1/Atonik/N3M khoảng 2-3 tiếng rồi ghép. Lan hoàng lạp có rễ nhỏ so với thân nhưng rễ khá khỏe, cây có thể trồng thẳng vào chậu dớn, hoặc trồng bằng chậu đất nung với than củi, vỏ thông. Nên có xốp trắng lót đáy chậu. Khi trồng nên cố định chặt cây với chậu hoặc gỗ để tránh lung lay làm chột rễ. 

Cây mới mua về lá lan hoàng lạp có thể bị bệnh rỉ sét, khi đó có thể dùng nano bạc, nano đồng phun cho cây. Thường xuyên cắt tỉa cành, lá bệnh, dọn vệ sinh sạch sẽ, chú ý bón thêm phân kali, canxi, lân.

Lan hoàng lạp rất khỏe nhờ tích trữ dinh dưỡng trong thân. Cây không có mùa nghỉ, khi gặp thời tiết khắc nghiệt cây có thể rụng lá nhưng thân luôn dự trữ đủ dinh dưỡng để phát triển trở lại. Nhân giống lan hoàng lạp cũng không quá khó khăn, Lan hoàng lạp có thể cho kie từ gốc hoặc từ mắt ngủ trên ngọn.

Lan hoàng lạp đột biết: Lan Sơn Thủy Tiên
Có một biến thể của lan Hoàng Lạp, đó là lan Sơn Thủy Tiên - Dendrobium chrysotoxum var suavissimum. Lan Sơn Thủy Tiên thường có kích cỡ nhỉnh hơn Hoàng Lạp, cây nhìn cũng cứng cáp hơn, gốc to hơn, nhìn từ gốc đến ngọn to đều đều. Hoa của Sơn Thủy Tiên có họng sẫm hơn hoa lan Hoàng Lạp. Trong đó những cây lan sơn thủy tiên có họng nhung nâu hoặc nâu đen rất đẹp. Giá trị Sơn Thủy Tiên cũng cao hơn Hoàng Lạp.

Ngoài tác dụng làm cảnh lan hoàng lạp còn có một số lợi ích bất ngờ khác

Thân hoàng lạp thậm chí cũng có thể dùng làm thực phẩm, ăn giống như củ đậu, tác dụng được cho là tốt cho cơ thể. Hoa lan hoàng lạp có thể dùng làm trà ngay hoặc phơi khô làm trà uống. Trà hoa lan hoàng lạp sẽ có mùi thơm mật ong dễn chịu. Trà Hoa lan Hoàng lạp được cho là tăng cường tính Âm, rất tốt cho phụ nữ và sức khỏe sinh sản. “Trà hoàng lạp” cải thiện tâm trạng, tăng cường giấc ngủ. Giúp ngủ ngon, giảm stress.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét