Trồng hoa phong lan thủy canh là một phương pháp sáng tạo khá độc đáo và lạ mắt. Rất nhiều loài lan như hồ điệp, phi điệp, dendro, chồn, thiên nga, lan cattleya . .. đều có thể trồng được bằng phương pháp thủy canh. Phương pháp trồng hoa lan thủy canh đòi hỏi một số nguyên tắc nhất định, nếu không rễ lan sẽ bị thối ngay lập tức khi ngâm nước chỉ sau vài ngày.
Nếu chúng ta cắm rễ lan vào nước ngay thì rễ đó sẽ rất dễ thối. Muốn trồng được lan thủy canh phải thuần rễ lan quen được với môi trường nước. An toàn nhất là để rễ lan chủ động thò xuống nước. Không nhúng cưỡng bức trực tiếp rễ lan xuống nước mà để cách mặt nước một khoảng nhất định khoảng 0,5-1 cm, vẫn tưới tắm bình thường cho lan. Khi rễ mới nhú sạch sẽ chủ động từ từ thò xuống thì sẽ quen với môi trường nước thì mới được phép quên tưới. Để nhanh hơn thì cũng có thể để rễ lan chạm xuống nước ngay, muốn vậy phải vào thời tiết khô mát, rễ phải khỏe sạch không bị bệnh, không được để phần thân gốc chạm nước, chỉ một chút sai lầm là rễ sẽ thối nhũn. Trong thời gian thuần rễ phải cho ăn ánh sáng tán xạ, mát mẻ, nếu để rễ thò một chút vào mặt nước thì phải thay nước 2 ngày/ lần đảm bảo vệ sinh. Vì một số rễ không thích nghi được thì sẽ thối, không thay nước thì dễ bị lây thối tất cả rễ, rễ nào hỏng thì cắt bỏ ngay.
Nếu trồng bán thủy canh, giá thể trồng lan phía trên có thể là đất sét nung, than củi, vỏ thông. Trồng thủy canh thì sẽ không dùng giá thể. Không dùng các giá thể khác như xơ dừa, rêu hoặc một số loại giá thể khác, chúng dễ làm bẩn nước bên dưới và giá thể bên trên khi lan đã thò rễ xuống dễ hút ngược nước lên gây ẩm giá thể quá mức khiến vi khuẩn phát triển gây thối.
Khi rễ cây đã quen với môi trường nước và thò được vào trong nước thì cần giữ mực nước có tính ổn định. Không để mực nước cao ngập gốc và rễ, rễ cây thiếu oxi vẫn có thể thối như thường. Không để quá cạn khiến cây mất thói quen thò rễ vào nước khiến cho khi có nước lại sẽ bị thối rễ. Rễ cây khô xong lại ướt đẫm thì dễ bị thối, nhưng sống liên tục trong nước quen thì lại không bị thối. Nếu dùng chai nhựa có thể đục lỗ ở giữa để mực nước cố định dù thêm nước nhiều hay ít.
Quá trình thuần rễ vẫn có thể dùng phân bón lá phun sương cung cấp dinh dưỡng cho cây mà không lo ngại vấn đề cây hỏng thối. Sau khi cây thò xuống có thể dùng dung dịch thủy canh để bón thêm.
Cây thuần nước có đặc điểm sẽ không sợ bị bị thiếu nước, nhăn lá, như cách trồng thông thường. Đỡ công tưới tắm mất thời gian. Trưng bầy ngắm bộ rễ trong chai lọ thủy tinh cũng rất đẹp mắt và sạch sẽ. Hơn nữa cũng ít bị sâu hại tấn công rễ như sên, gián, cuốn chiếu. Nhược điểm là cây lan trồng thủy sinh có thể sẽ không phát triển mạnh bằng cây trồng thông thường. Một số trường hợp trồng thủy sinh bằng lọ thủy tinh sẽ kén chỗ để, không dễ treo như chậu thường. Chú ý nước dẫn nhiệt khá tốt, không để cây ở chỗ quá nắng có thể khiến nước trong lọ nóng và làm hỏng rễ, cây trồng thủy sinh khó ăn nắng thoải mái như cây trồng bằng phương pháp thông thường.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét