Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2020

Đặc điểm và cách trồng lan đai châu

Lan đai châu là dòng lan đẹp và có giá trị. Lan đai châu có hoa đẹp thơm và đặc biệt hoa còn nở vào tết âm lịch. Một giò lan đai châu to đẹp làm sang trọng căn phòng ngày tết. Lan đai châu có sức sống khỏe, chống chịu được với sâu bệnh. Lan đai châu có lá dầy, rễ to, thân lớn; cây dễ trồng, dễ chăm sóc.


Nguồn gốc lan đai châu: 

Lan đai châu rừng với hai màu chủ đạo là màu trắng tím, cây được khai thác ở rừng và rất được ưa chuộng. Cây lan đai châu rừng thường khai thác ở Lào, Việt Nam, Campuchia, cây khi khai thác ở rừng thường có nhiều vết xước do vận chuyển. Lan đai châu Lào thì thường mầu tím nhiều hơn đai châu Việt. 

Lan đai châu thái, đòng đai châu được lai tạo và cấy mô thì có nhiều màu sắc đa dạng hơn với tông mầu như đỏ, đỏ khoang trắng, đỏ xác pháo, cam, vàng, hồng chấm tím, hồng gấm, hồng xác pháo, hồng cánh sen, đốm bò sữa, tím và dòng đột biến var alba trắng tuyền. Lan đai châu thái thường khỏe và phát triển mạnh hơn so với dòng lan đai châu rừng.

Lan đai châu hồng cánh sen

Lan đai châu đỏ xác pháo

Trên thị trường có dòng đai châu bán luôn khi ở rừng về gọi là đai châu rừng, ngoài ra thị trường có bán dòng đai châu cấy mô bán dạng cây con, còn những cây rừng hay cấy mô nhập về trồng trong vườn hồi sức sau đó cắt ra đem bán khi cây đẹp gọi là lan bóc trụ.

Lan đai châu đỏ

Đặc điểm lan đai châu:

Rễ lan đai châu to mập, rễ mới ra trên đầu rễ có chất nhớt, chất nhớt này nếu gặp giá thể sẽ giúp rễ lan bám chắc vào. Rễ lan đai châu thích thông thoáng, ẩm quá sẽ dễ thối. Khi thay chậu rễ cũ không thể bám vào giá thể, chỉ có tác dụng hút nước. Khi mới trồng, để kích thích rễ mọc thì thường cắt rễ cũ để rễ mới mọc ra bám vào giá thể. Nhưng thiếu rễ và lá héo thì cắt rễ cũng khiến cây mất lực. Lan bám trụ thay giá thể sẽ khiến lực của cây yếu đi nhiều, lan trồng chậu thì thay giá thể cũng không ảnh hưởng nhiều, khéo léo thì bộ rễ của cây cũng không ảnh hưởng nhiều.

Lá lan đai châu dày, có sọc dọc trên lá, đầu lá so le. Có nhiều dạng lá như đai châu lá mít, đai châu lá kiếm, đai châu lá xếp, lá lướt, đai châu lá kẻ sọc. Cây đai châu có lực thường có bộ lá to dầy căng cứng. Dòng đai châu Thái thường có lá ngắn, bản to và xếp khít nhau. Lan Đai châu rừng thường có lá dài, bản nhỏ, sáng màu, lá xếp thưa hơn và ít đẹp hơn đai châu Thái. Đai châu là dòng lan đơn thân nên khi thiếu nước cây sẽ bỏ lá chân, vàng lá chân. Khi mới mua về thiếu lực cây càng dễ bỏ lá chân.

Lan đai châu rừng: cho hoa màu trắng điểm thêm những chấm tím, dáng cây khá lớn với những chùm hoa dài và cong khoảng 20 phân, chùm hoa to ngang khoảng 3 phân, tỏa ra hương thơm ngát và có thể chơi hoa lan hàng tháng trời mới tàn. 

Nhiệt độ 17 độ vào mùa đông thì lan đai châu sẽ thường cho ra hoa đúng tết. Với khí hậu trong nam nhiều cây lan đai châu sẽ cho hoa sớm vào noen. Đầu tháng 9 âm, tháng10 dương đã ra nụ và đến noen đã bung hoa, không thể đợi đến tết. Tùy lực từng cây mà sẽ cho ra nhiều nụ hay ít nụ, hoa nhanh tàn hay lâu tàn. Có những cây đai châu to khỏe cùng lúc cho 5-6 nụ mà vẫn nuôi khỏe. Nhưng có những cây đai châu yếu thì một nụ nuôi cũng thành cả vấn đề.

Lan đai châu đốm bò sữa

Cách trồng và chăm sóc lan đai châu

Khi mới mua về, nếu ghép trụ gỗ thường thời gian đầu cây sẽ lớn chậm, tưới nhiều hơn so với trồng chậu. Trồng chậu thì nên trồng than củi to hoặc vỏ thông to. Mùa hè, lan đai châu thích ẩm và nước, có thể tưới nước 2-3 lần một ngày nếu trồng lan đai châu ghép trên gỗ. Đặc biệt phải để cho khô rễ giữa 2 lần tưới và không được để rễ cây bị úng hỏng rễ. Chỉ bón phân và tăng tưới nước khi thấy cây bắt đầu mọc lá hay đầu rễ có mầu xanh lại. Bón phân nhiều đạm cho cây vào mùa xuân và mùa hè, đổi sang nhiều lân và kali vào cuối hè và thu, hoặc có thể dùng phân 20-20-20 quanh năm. Với phân hữu cơ thì nên để vào trong túi lưới, không nên rắc làm bít lỗ chậu.

Lan Đai châu là loài cây khỏe chống lại nhiều loại sâu bệnh. Tuy vậy cần chú ý những loại sâu bệnh cắn rễ như gián, chuột, ốc sên... Lan đai châu thích treo nơi rộng rãi thoáng gió với ánh sáng 50-70% là tốt nhất. 

Thông thường Nghinh xuân nở hoa vào cuối mùa đông hay đầu mùa xuân và vào dịp Tết Nguyên Đán. Thường mất khoảng 117 ngày từ khi cây nhú vòi cho đến khi hoa nở. Khi thấy lan nghinh xuân ra nụ, có thể tưới sơ qua hoặc tăng thêm độ ẩm. Việc dùng thuốc kích lan đai châu nở hoa sớm hay muộn khá khó. Thường năm trước cây nở hoa tầm nào thì năm sau cây sẽ ra hoa tầm thời gian đó. Thường chỉ có thể can thiệp bằng nhiệt độ của môi trường sống. Nếu muốn lan chậm nở hãy mang vào chỗ rợp mát. Muốn lan nở sớm hơn hãy tăng thêm nhiệt độ hay là mang vào trong nhà để dưới ánh đèn, nhưng cần thoáng gió và độ ẩm.

Lan đai châu đột biến trắng


 














0 nhận xét:

Đăng nhận xét