Những người mới tập chơi lan có rất nhiều sai lầm. Đơn giản nhất là chọn giá thể sai, thứ nữa là tưới nước sai, chỗ đặt cây không phù hợp, bón phân không đúng quy định, ... Chi tiết cơ bản cách trồng lan cho người mới chơi lan.
1. Chọn đúng giá thể trồng lan: Tùy từng loại lan mà ta chọn đúng giá thể ghép cho chúng. Cây cần ẩm dùng dớn trắng, cây cần khô thoáng thì ghép lũa. Mỗi loài lan có đặc tính sinh lý khác nhau, sức khỏe của bộ rễ khác nhau. Các giống lan có lông như nhất điểm hồng hoặc các giống lá mỏng như báo hỷ thì nên trồng bằng bảng dớn hoặc lũa hoặc gỗ hay chậu với vỏ thông, nếu bạn trồng với dớn trắng hoặc rêu rừng thì tỉ lệ sống rất thấp.
2. Xử lý giá thể sạch sẽ: đây là cách phòng bệnh an toàn trước khi trồng lan. Bạn có thể luộc giá thể, ngâm giá thể bằng muối, hoặc ngâm bằng vôi để khử trùng rồi ngâm sạch lại. Với than củi ngâm nước còn làm cho những chất chát của than thôi ra. Hoặc phun thuốc khử trùng đánh tan mầm bệnh.
3. Với lan nên chọn chậu có lỗ thoáng mát để tránh ẩm ướt, úng thối. Khi trồng không nên vùi gốc lan xuống sâu. Khi tưới dễ bị thối gốc, nên để hở củ hở gốc. Rễ con mới ra lúc đầu sẽ bò trên mặt chậu rồi mới cắm xuống sau.
4. Với lan mới trồng lại nên cắt tỉa rễ cũ thối hỏng: Khi ghép lan, vì thấy rễ giả hành mẹ, bà hoặc rễ cây lan còn tươi mà không cắt tỉa mà ghép luôn dễ dẫn tới lan sẽ không có nhu cầu cấp thiết ra rễ mới để bám vào giá thể. Thậm chí có những bụi kiều để rễ um tùm thành bó, cây tự lấy nước và hấp thu từ bó rễ đó. Khi ghép vào gỗ cây sẽ không có nhu cầu bò ra tìm thức ăn và bám vào gỗ nữa.
5. Ghép cây con vào chậu hoặc gỗ thì nên ghép thoáng. Không nên ghép quá dầy để cây có không gian phát triển. Ghép cây con quá dày nhiều khi sẽ lại phải sớm thay chậu. Hoặc cây phải cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng mà thân lá lại nhỏ đi.
Ghép các cây lan nên cùng kích cỡ và cùng tuổi vào 1 giò. Nếu ghép sai, ngoài việc mất thẩm mỹ, sau này hoa cũng không nở cùng lúc, đẫn đến rời rạc và không toát lên được vẻ đẹp.
6. Trồng lan không nên nèn giá thể quá chặt: việc nèn giá thể chỉ được nhà vườn sử dụng với chế độ tưới nghiêm ngặt để tiết kiệm nước tưới và phân bón. Nhất là với lan hồ điệp. Nhưng khi trồng lan tại nhà thì không nên nén chặt giá thể. Trồng tại nhà, mưa nắng và tưới không hoàn hảo khiến lan dễ chết úng, rễ không phát triển được, mầm không đâm lên được.
7. Cố định lan vào chậu tránh lung lay gốc lan. Với lan mới trồng có thể luồn dây cột chặt cây vào chậu, vào giá thể; hoặc cắm một thanh tre vào miếng xốp đặt dưới đáy chậu rồi lấy kẹp cố định cây lại. Làm vậy là để cố định lan, không để cho gió thổi, bị chạm vào, tưới mạnh làm long gốc cây khó bám vào giá thể. Hoặc dù có bám vào giá thể rễ cũng bị co kéo làm dễ làm rễ bị hư hại. Nếu không cố định được thì bắt buộc ít nhất là tưới phun thật nhẹ nhàng.
8. Chú ý các dây thép cột không nên dùng nhiều. Kim loại hấp thụ ánh sáng mặt trời tốt hơn tre nên sẽ truyền nhiệt lượng sang làm cháy lá hoặc thui rễ lan. Hoặc cũng có thể đóng đinh rồi bọc vỏ nhựa ra bên ngoài.
9. Nếu muốn gắn tã cho thì phải gắn tã cách gốc ít nhất 1cm. Nếu để tã lấp gốc, và mắt ngủ của các giống lan đa thân dễ gây thối cho chúng. Hoặc phủ rêu thì phủ lồng phồng, không nên ép chặt vào gốc.
10. Treo lan trong vườn phải biết giống nào ăn ít nắng, giống nào ăn nhiều nắng để xắp xếp hợp lý. Cây nào còn yếu, cây nào khỏe. Ví dụ giống lan cần nhiều nắng như Vanda, Giả Hạc thì treo tầng trên, Đai Châu, Hồ điệp treo tầng dưới.
11. Tưới nước bắt buộc phải nắm rõ thời điểm buổi sáng và buổi chiều mát. Tốt nhất là tưới phun bằng bình. Không tưới đẫm trong thời gian liên tục. Nên có thời gian để rễ cây khô thoáng. Nhiều nhà vườn cậy thuốc chống thối nhũn nên tưới đẫm vô tội vạ. Với người trồng lan đơn thuần, cây trồng chậu có giá thể hút nước như rêu vào xơ dừa thì không nên tưới đẫm. Thi thoảng thấy trời khô hạn, 1 tuần tưới đẫm 1 lần là cùng.
12. Bón phân vô cơ phải đọc kỹ liều lượng, biết rõ thành phần sử dụng cho cây, thừa phân lan sẽ chết. Với những cây mới mua rừng về càng nên bón loãng để cây quen dần. Hoặc người mới chơi thì nên pha loãng để đảm bảo an toàn. Phân hữu cơ cũng phải xử lý sạch, liều lượng vừa đủ.
Không nên pha phân thuốc nhiều loại 1 lần nhưng phun không hết cất đi mấy hôm sau phun tiếp, thuốc sẽ biến chất và gây hại cho cây, hoặc thấy còn dư thì phun lại cho lan lần nữa (nguyên tắc phun phân chỉ đi 1 lượt không đc quay lại trong 1 lần phun).
Khi bón phân hay tưới nước đều cần tránh lúc trưa nắng, khi mặt trời trực tiếp chói chang đang chiếu. Làm vậy có thể gây sốc cho cây, hoặc bị acid hóa làm cháy lá lan. Nên phun khi trời mát, tốt nhất là 7h sáng và 16h chiều. Xịt sau cơn mưa 1 tiếng khi lá đã khô và trước cơn mưa ít nhất 2 tiếng. Nếu bạn phun phân buổi sáng, thì tốt nhất sau 11h bạn nên tưới rửa lại lá lan 1 lần.
Với phân tan chậm thì nên để cách xa gốc một chút và không cần thiết gắn quá sớm khi lan chưa ra rễ gây lãng phí mà còn có thể gây chột mầm gốc.
Kết: Mỗi loài lan có một tập tính sinh trưởng và phát triển khác nhau. Với mỗi loại lan mới trồng. Ngoài những nguyên tắc cơ bản thì nên search trên mạng, tìm hiểu qua tài liệu hoặc hỏi người bán đặc tính riêng của cây lan để có cách chăm sóc hiệu quả nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét