Người mới tập chơi lan hoặc chơi lan không chuyên thì nên chọn những loại dễ trồng, không phải lo lắng về việc mỗi cây một đặc tính một chế độ chăm sóc riêng biệt. Với những loại lan dễ trồng sẽ đảm bảo rẻ không bị tốn tiền, cây ít ốm vặt, siêng chửa đẻ và không bị mất công chăm sóc nhiều. Khi nào quen trồng và thuần dần với các loại lan thì bắt đầu chăm các loại lan khó tính hoặc đắt tiền. Sau đây là một số loại lan dễ trồng mà bạn có thể tham khảo.
1) Dễ trồng nhất phải kể đến Lan huyết nhung. Loại lan này vứt vạ vật, trồng trên đá hay xi măng đều được. Chỉ cần tưới hôm nào trời nắng quá. Tuy vậy cây phải đạt kích cỡ đủ lớn và đủ nắng thì mới cho hoa.
2) Lan kiếm với một số dòng lan kiếm như: kiếm lô hội, kiếm tiên vũ, kiếm treo ... thì vứt vạ vật, thiếu nắng hay nắng gắt, trồng giá thể ẩm hay khô đều sống được. Đây là một loại lan dễ trồng, tuy vậy hoa chỉ đẹp ở mức trung bình và không có hương thơm.
3) Dòng lan dendro, thường lan dendro khá dễ trồng. Những giống như Dendro Sonia, Yaya giá thành rẻ mà lại siêng hoa.
4) Dòng lan Kiều ( Thủy tiên): Kiều tua, kiều trắng, kiều tím, hoàng lạp.... Đây là dòng lan có hoa đẹp, bộ rễ khỏe, chỉ cần đảm bảo không bị úng, ánh sáng vừa phải, không bị nắng quá là cây phát triển rầm rầm.
5)Lan Vanda, lan Mokara: Đây là hai dòng làn rất khỏe, bền lá. Chăm sóc không đúng cách thì cây khó ra hoa nhưng vứt vạ vật cây vẫn có khả năng sống sót.
6) Ngoài ra còn có một số dòng dễ trồng khác như: Lan Đai châu, Lan hoàng lạp, Lan tóc tiên hương dừa, Lan quế lan hương, Lan tam bảo sắc, Lan catleya, Lan vũ nữ .....
Một số loại lan dễ trồng nhưng đòi hỏi thêm kinh nghiệm tưới tắm và chăm sóc là Lan long tu xuân, Lan phi điệp, Lan hồ điệp .... Những dòng lan này không quá khó trồng nhưng không chăm sóc cẩn thận sẽ bị thối rễ, nhũn lá.
Thậm chí với người mới chơi, đơn giản nhất và ít tốn kém không phải dùng phân thuốc thì có thể dùng nước vo gạo. Chúng ta có thể tiến hành việc làm này một cách đơn giản bằng việc lấy một ca nước vo gạo đã được lắng đọng sau đó để nó qua đêm hoặc cho vào trong chai nhựa để khoảng 10 ngày. Sau quá trình lên men nước vo gạo sẽ sinh ra vi sinh vật có lợi cho cây trồng. Sau đó pha nước vo gạo lên men với lượng nước vừa đủ theo tỷ lệ 5 nước trắng :1 nước vo gạo. Chú ý không để lan chết khô nhưng việc tưới quá nhiều nước dẫn đến thối úng còn nguy hiểm hơn cả việc lười tưới.
Sau khi đã quen trồng lan và tạo được một có cơ sở tiểu khí hậu vững chắc thì có thể thuần được những loài lan khó tính hơn.
Những loại lan khó thuần
Biết những loại lan khó thuần để người mới chơi khỏi mất học phí oan. Có những loại không thể thuần được ngoài khu vực xuất xứ của nó. Dù ban đầu bạn trồng cây vẫn ra chồi và rễ nhưng sau nửa tháng đến 1 năm cây sẽ vẫn ra đi. Đặc biệt những loại này nhà vườn chuyên nghiệp sẽ ít trồng, ít mua vào và cũng không xuất bán bao giờ. Xin liệt kê những danh sách như sau:
+Những loại phong lan khó thuần
Lan chuỗi ngọc, Lan ý Ngọc, Lan Trúc Phật Bà, Lan Ngọc Thạch, Lan Hài Râu, Lan Hài Mốc, Lan Kim Điệp, Lan Hoàng Thảo Xoắn, Lan Hoàng Thảo Kèn, lan Trần tuấn.
+Những loại Lan rất khó thuần
Lan Hoàng Thảo Trúc Mành, Lan Nhất Điểm Hoàng, Lan Kiếm Hồng Hoàng, Hoàng thảo u lồi. Những loại lan này sẽ rất khó thuần được khi đem ra khỏi khu vực nó sống.
Đặc điểm của các loại lan khó trồng:
Các loại lan khó thuần có lông đen như: Nhất điểm hồng, nhất điểm hoàng, kim điệp nhựa, đại bạch hạc, bạch hỏa hoàng, bạch hạc langbiang,… Đây là những loại phong lan khó thuần.
Những loại lan khó thuần đa phần đều có lá mỏng, lá rất mỏng so với các loại khác. Mong manh và mềm mại. Mấy em lá mỏng điển hình như: Hoàng thảo U lồi, Trúc phật bà, Kèn, Ý ngọc, Ngọc thạch, Chuỗi ngọc, Đơn cam,… Vừa khó trồng vừa khó chăm sóc là đặc trưng của các em lá mỏng. Các bạn hãy cân nhắc về môi trường nhà bạn trước khi mua nhé.
Thông thường lan đa thân có rễ nhỏ khó trồng hơn. Ví dụ như: Hoàng thảo Việt Nam, Lan lọng,… chúng có bộ rễ rất là nhỏ. Nhỏ như rễ hành. Những loại lá các loại lan khó trồng hơn loại có kích thước rễ lớn hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét