Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Các loại giá thể trồng hoa phong lan

Với các loại giá thể trồng lan, để khử trùng trước khi dùng, các nhà vườn thường luộc lên, ngâm muối hoặc ngâm vôi. Mỗi một loài lan lại đòi hỏi một chế độ một loại giá thể khác nhau. Bạn nên biết đặc tính của các loại giá thể, để chọn giá thể cho từng cây, hoặc trộn các giá thể cho hợp lý. Hiểu về giá thể để việc trồng lan trở nên đơn giản hơn:

Than củi: Đây là loại giá thể phổ biến và dễ kiếm nhất ở các khu chợ. Than củi có ưu điểm là thoáng khí, cung cấp môi trường mát mẻ cho bộ rễ, giúp cây tránh được ốc sên. Than củi hấp thụ nước, phân bón khá tốt. Than thường được đập bé cỡ ngón chân hoặc ngón tay, đập than bé quá cũng không tốt. Trước khi trồng cần ngâm than củi trong nước vôi, hoặc ít nhất là nước lã để than không bị chát. Có thể khử trùng than bằng thuốc phun, hoặc luộc lên. Trong quá trình trồng, than củi giữ muối và phân bón nên thi thoảng phải tưới xả cho bộ rễ cây hết mặn.

Dớn: Dớn là thân và rễ của cây dương xỉ (Dicksonia antarctica) là một loại cây mọc nhiều ở các vùng thung lũng đồi núi Đà Lạt. Là loại cây thân đứng, rất nhiều rễ đen hoặc nâu bao trùm xung quanh thân,thân có thể cao từ vài mét tới vài chục mét. Đường kính gốc tính cả bộ rễ bao trùm có độ dài từ 0,5 -1m.


Người trồng lan ép hoặc cắt khúc thân cây dớn (dương xỉ) thành các hình dạng phù hợp để làm giá thể cho lan. Có 2 dạng dớn : dớn dạng sợi (dớn già) và dớn vụn (dớn non)

Trong các loại chất trồng dành cho lan, dớn là loại giá thể trồng lan tốt nhất bởi ưu điểm giữ ẩm cao, thông thoáng, giàu dinh dưỡng (nhất là K và N), chậm phân hủy. Đảm bảo cho cây lan phát triển rất nhanh và rất bền 3 năm trở lên. Dớn vừa là giá thể, vừa là chất trồng rất lợi mà ít bị nấm mốc. Trồng lan bằng dớn cọng lâu mục ít đọng muối, trọng lượng chậu lan nhẹ hơn so với than.

Nhược điểm là hút ẩm và hấp thu phân bón kém. Nếu chỉ trồng riêng dớn thì chậu lan cũng không có độ thoáng. Không nên lấy dớn quá vụn vì dễ bị mục nát, gây bí, không thoát nước ở chậu lan. Nếu sử dụng để trồng lan trên sân thượng thường nắng nhiều cây dễ bị sock do khô vì chất trồng này mau khô lắm, đồng thời cũng dễ bị mọc rêu.

Trong đó lại chia ra 3 loại: dớn đá, dớn cù lần và dớn sợi.

Dớn mềm, dớn trắng, rêu chi lê: Dớn mềm có nguồn gốc là một loài rêu, sống trên mặt các đầm lầy, có tên thương mại là “Sphagnum moss”. Dớn mềm có khả năng giữ nước và độ bền cao (lâu mục) nên tiết kiệm được thời gian tưới và thay giá thể trồng, tách hay thay chậu dễ dàng. Dớn ngậm nước sẽ giải phóng các Cation H+ như một chất kháng khuẩn tự nhiên giúp cho rễ lan phát triển.

Nhược điểm của dớn mềm là giá cao, dễ bị rong rêu, úng nước trong mùa mưa. Bạn phải kiểm soát được lượng nước tưới, lượng phân tưới…nếu không chậu lan sẽ dư nước, độ ẩm cao dễ sinh nấm, rêu, ốc sên …cây sẽ dễ bị thối, suy yếu và chết. Khi trồng ngoài tự nhiên chỉ cần một chút rêu dớn trắng phủ bề mặt hoặc phủ một vài chỗ cần thiết. Khi trồng công nghiệp đảm bảo được lượng tướng hoàn hảo thì họ mới sử dụng 100% loại dớn này để trồng.

Xơ dừa: Ưu điểm dễ kiếm, có thể chặt vụn hoặc tước xơ dừa. Xơ dừa giữ ẩm tốt nên thời gian tưới sẽ ít hơn, việc này sẽ làm giảm thời gian chăm sóc cho cây lan. Xơ dừa cũng giữ phân rất tốt, vì thế cũng cần chú ý đến việc ứ đọng phân thuốc.

Nhược điểm nhanh mủn ngậm nước nhiều dễ gây thối rễ lan, dẫn đến nhanh phải thay giá thể. Lúc khô và lúc ngậm nước cong cớn không đều. Một nhược điểm nữa của xơ dừa đó là nếu một thời gian dài không tưới thì xơ dừa sẽ rời vào tình trạng khô và co lại gây ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, đến khi tưới nước lại nhiều thì lại dễ làm giá thể xơ dừa bị nhão ra. Thường thì những chậu to không nên dùng xơ dừa. Hoặc chỉ dùng để mix ở bên ngoài chút đỉnh. Khi cho xơ dừa vào chậu thì càng lồng khồng hoặc xé tơi, khặc cắt khúc ra càng tốt.

Xơ dừa giữ ẩm tốt nên thân cau hay thân dừa thường không được chọn để trồng lan vì thân chúng mục nhanh dễ làm hỏng rễ lan. Dù cho thời gian đầu ghép vào cây sẽ sống tốt. Thân cau hay thân dừa chỉ ghép vào trong trường hợp cây còn sống.

Vỏ thông: 
Đây là một vật liệu dễ mua ở các cửa hàng vật tư trồng lan. Vỏ thông được cho là loài giá thể trồng lan cực tốt, độ ẩm vừa phải. Trong vỏ thông có chứa resin – chất có tính sát khuẩn cao, lâu mục, ít mầm bệnh và các loại nấm và đặc biệt không đóng rêu. Vỏ cây thông 2 lá có độ bền từ 4 – 6 năm, còn vỏ cây thông 3 lá thì có độ bền khoảng 2 – 3 năm. Với những ưu điểm vượt trội đó, vỏ thông đã được sử dụng rộng rãi trong ngành trồng lan.

Các loại vật liệu khác thì còn phải hiểu kỹ để tưới cho chuẩn, còn vỏ thông thường tưới tắm thoải mái hơn nhiều. Ngoài ra, khi trồng lan, tùy thuộc vào cây lan to hay nhỏ mà bạn cần đập nhỏ vỏ thông. Tuy nhiên giống than củi, khi dùng vỏ thông trồng lan bạn cần lưu ý đến đặc điểm là vỏ thông khá giữ muối. Chính vì vậy, bạn cần định kỳ hàng tháng xối chúng qua nước để trôi bớt muối đi. Điều này giúp cây lan sinh trưởng và phát triển tốt. Vỏ thông và than củi được coi là hai loại giá thể tương đương nhau về chất lượng. 

Nhà bạn nào ở nông thôn có vài cây thông chắc sẽ không lo thiếu giá thể trồng lan.

Vỏ lạc:
Vỏ lạc có ưu điểm là giá rẻ, dễ tận dụng khi mua lạc về bóc vỏ, hoặc mua sẵn trên thị trường. Độ bền vỏ lạc khoảng 2-3 năm. Trong vỏ lạc có một số chất như đạm và vi khuẩn nấm fusarium có lợi cho rễ lan. Vỏ lạc có thể đập dập dùng luôn hoặc có thể hun vỏ lạc, với vỏ lạc dùng ngay cần phải chú ý độ ẩm quá cao lâu ngày nếu không vỏ lạc có thể sinh mốc. Vỏ lạc hun tăng cường kali cho cây. Vỏ lạc thường được dùng vào giá thể trồng địa lan kiếm, lan hài, lan mokara....  

Gỗ trồng lan: 

Ghép lan trên cây đang sống thì tránh những cây có nhựa đắng, cây thay vỏ, cây có tán quá rậm. Nhược điểm của ghép trên cây sống là khó di chuyển chậu lan. Nhưng ưu điểm là vỏ cây sống luôn giữ độ ẩm tốt hơn so với gỗ. Ghép gỗ thì không ghép lên những cây có nhựa đắng như gỗ xoan hay gỗ bạch đàn. 

Những loại gỗ thường được chọn để ghép lan như: Tre, nhãn, vú sữa, vải, mít, lộc vừng, xoài, cây me chua, ... Ghép gỗ có nhược điểm là rễ nhanh bị khô thời gian đầu. Bắt buộc khi mới ghép sẽ phải tưới thường xuyên hơn trồng chậu. Ghép gỗ cũng phải cố định cây chặt vào gỗ không để rễ mới ra bị lung lay. Cây vừng – Careya Arorea

Với gỗ lũa: Đây là vật liệu ghép lan được cho là đẹp nhất và đỉnh nhất. Gỗ lũa qua quá trình bị nước bào mòn đã không còn nhựa đắng nên dễ dàng ghép mà không cần quan tâm đến nhựa đắng còn trong thân. 

Ngoài ra mùn cưa, gỗ vụn cũng là vật liệu được nhắc tới có thể trồng lan. Tuy nhiên những vật liệu này dễ bị nấm hơn so với than củi.

Đất sét nung
Đất sét nung có ưu điểm thoáng khí, giữ ẩm, độ bền cao và ít nấm mốc. Nhưng giá thành sẽ khá cao nếu trồng nhiều. Đất sét nung có thể kết hợp với trồng thủy canh, nhiều người đã trồng lan bằng cách cho vào chậu thủy tinh, dưới đổ nước xâm xấp và trên là đất sét nung. Cách trồng này bắt buộc phải bổ sung thêm dinh dưỡng bằng cách tưới phân bón lá hoặc dùng thêm dung dịch thủy canh. Đây là một cách trồng mới khá thú vị được nhiều người áp dụng.

Dung dịch thủy canh
Dung dịch thủy canh trồng một số loại lan như Hồ Điệp. Cách trồng này đòi hỏi kinh nghiệm xử lý tốt, nếu không rễ cây rất dễ bị thối. 

Sỏi, đá: với những loài lan đặc thù như lan hài việc giá thể là đá vào là tốt cần thiết, thường trồng lan hài cần 70% đá, hoặc cũng có thể trộn thêm đá vào giá thể trồng địa lan. Đá bọt, đá thấm thủy là những loại đá được ưa dùng trồng lan nhất. Đá chứa hàm lượng kim loại nhiều như granit thì không nên dùng, loại đá đó cách nhiệt kém, dễ làm chậu lan nóng và hỏng rễ.

Ghép lan bằng rác: Nghe thì có vẻ vô lý nhưng đó lại là điều hết sức bình thường. Những vật liệu khô thoáng bỏ đi hoàn toàn có thể dùng để ghép lan. Nhiều cây lan còn không cần dùng giá thể nên việc dùng rác một cách hợp lý đảm bảo vẫn sạch sẽ, giữ ẩm và thoáng khí thì hoàn toàn có thể trồng lan. Ngay cả những túi pha trà vứt đi nhiều người cũng dùng làm tã cho chậu lan. Một đoạn dây điện vỏ nhựa quấn tròn cũng trồng được lan. Một chút xốp trắng bẻ vứt vào chậu cùng vài giá thể khác cũng trồng được lan. Bông từ nệm, từ chăn cũng có thể làm giá thể. Những thứ rác nhựa polime còn rất bền và sạch. Cây lan nếu biết trồng sẽ rất dễ, không biết trồng thì rất là mệt mỏi mà chúng vẫn quặt quẹo không lớn.

Mỗi loại rễ lan lại ưa kích cỡ giá thể khác nhau. Với lan rễ to như đai châu, chồn có thể dùng than củi to, nhưng với phi điệp, dendro nên dùng kích cỡ than bằng ngón tay, ngón chân. Thông thường có thể để dưới dáy là xốp vừa rẻ tiền vừa thoáng, lớp thứ 2 nên là than củi, vỏ thông; lớp trên cùng có thể là rêu, xơ dừa, vỏ lạc. Tùy cách trồng và loài lan mà có giá thể khác nhau, như đai châu có thể trồng bằng than củi hoặc ghép gỗ không, hồ điệp biết cách tưới có thể trồng nguyên bằng rêu. Có rất nhiều cách chọn và mix giá thể với nhau. Quan trọng nhất là hiểu về giá thể, hiểu cách tưới, hiểu ánh sáng cây cần là cây phát triển khỏe mạnh. Rễ lan ưa sạch, thích ẩm nhưng phải thoáng, có thời gian khô khan sạch sẽ. Đảm bảo được điều đó thì bạn trồng bằng rất nhiều chất liệu. Những nhà vườn lâu năm thậm còn nói vui trồng lan rất dễ, muốn chúng chết còn khó hơn làm chúng sống. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét