Lan Hài Hằng là loại lan đặc hữu được phát hiện năm 1998 tại Việt Nam, lan chỉ trồng ở phía Bắc và Đà Lạt mới có thể cho ra hoa. Cây có tên khoa học là Paphiopedilum hangianum. Do là loài lan mới quý hiếm nên chúng khó thấy trong tự nhiên.
Đặc điểm nhận dạng: Lan hài hằng thường có 3 - 5 lá xếp thành 2 dãy. Lá dài, hình thuôn - bầu dục, cây nhìn như Paphiopedilum emersonii nhưng to khỏe hơn. Lá hầu như đồng màu, lục đậm trên, nhạt mặt dưới. Lan hài hằng có kích thước khá lớn nếu được chăm sóc tốt. Lá lan hài hằng có thể dài đến 35cm, rộng 4 - 6cm. Hoa lan hài hằng to và mọc đứng, cao 15 - 20cm, thường mang 1-2 hoa. Hoa có mùi rất thơm, ngào ngạt mùi quế.
Sinh học và sinh thái: Mùa hoa tháng 3 - 4. Tái sinh bằng hạt. Mọc rất rải rác dưới tán rừng nguyên sinh rậm thường xanh nhiệt đới mưa mùa cây lá rộng ưu thế và mọc ở các vách núi đá vôi dựng đứng trên cao độ 600-650m trong các khe nứt hay hốc đá ẩm, ít đất ở các vách dựng đứng gần đỉnh núi.
Về giá cả do hiếm nên lan có giá khá cao. Cây thường được trồng theo môi trường sinh trưởng tự nhiên. Ví như trồng bằng chậu thì trong giá thể có thể trộn thêm đá vôi, đá thấm thủy cùng với một số vỏ thông, than củi, ... Hoặc nhiều người có thể trồng cây trong hộc đá mà không cần chậu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét