Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Tổng quan một số chi lan thông dụng

Phân biệt tổng quan các loại chi lan

Chi Lan hồ điệp (danh pháp: Phalaenopsis Blume, viết tắt là Phal trong thương mại, là một chi thực vật thuộc họ Lan chứa khoảng 60 loài. Đây là một trong những chi hoa lan phổ biến nhất trong thương mại với việc phát triển nhiều loài lai nhân tạo và nuôi cấy mô phổ biến.

Các loài lan Hồ điệp rừng khác với các giống lan lai là thân thường nhỏ, hoa nhỏ, cụm hoa ngắn. Lá Hồ điệp dày, hình bầu dục. Hoa lan hồ điệp được ưa chuộng bởi thân gọn gàng hoa bền và tinh tế. Tuy nhiên hầu hết các giống lan Hồ điệp không có hương thơm.

Các loài Hồ điệp rừng có xuất xứ từ vùng thấp hay cao trung bình, hầu hết là các loài dễ trồng và ra hoa tại Hà Nội. Tương tự như hoa lan Hồ điệp lai cây được trồng trong chậu với xơ dừa hay rêu. Sau vài năm trồng, khi cây lớn cần thay chậu lớn hơn.

Hoa lan Hồ điệp là những loài lan ưa bóng râm, khoảng 30-40% ánh sáng trực tiếp. Tưới nước nhiều vào mùa hè nhưng tránh nước đọng ở rễ và đặc biệt là lá vì lá dày mềm, dễ thối và tồn thương. Nên tưới vào buổi sáng để tránh đọng nước vào buổi tối, dễ thối lá. Mùa đông tưới vừa phải, không để cây khô. Hoa lan Hồ điệp rừng không cần bón nhiều phân như hoa lan Hồ điệp lai.



Chi Lan hoàng thảo (danh pháp: Dendrobium) là một chi lớn trong Họ Lan (Orchidaceae). Hiện nay chi này bao gồm hơn 1.200 loài.
Chi lan Hoàng thảo (Dendrobium)

Lan Hoàng thảo là một chi lan lớn nhất trong họ lan. số lượng các loài lan Hoàng thảo trong các giống lan Việt Nam được ghi nhận là 107 loài. Gần đây, nhiều loài lan Hoàng thảo mới được phát hiện và mô tả. Các loài lan Hoàng thảo có mặt ở tất cả các vùng sinh thái trong cả nước. Những loài lan Hoàng thảo dễ trồng chủ yếu là từ các vùng núi thấp hay núi cao trung bình.

Lan Hoàng thảo là những loài lan sống bám trên cây hay đá, mọc thành bụi nhiều hành giả. Các giả hành có thể phân thành các đốt như cây tre. Nhiều loài có rãnh dọc theo giả hành.

Rễ hoa lan Hoàng thảo nhỏ, tập trung ở gốc do đó cần giữ ẩm cho rễ. Phần lớn hoa lan Hoàng thảo được treo trong chậu treo, dung than lot đáy chậu và buộc giữ gốc cây dùng xơ dừa hay rêu phủ rễ. Nếu buộc lên gỗ hay lên thân cây thì cần dùng chất trồng giữ ẩm tốt bó quanh rễ và tưới nước nhiều hơn.

Các loài lan Hoàng thảo không ưa tách bụi, chuyển chậu. Tuy nhiên sau khi trồng 2-3 năm cây ra nhiều giả hành, rễ phát triển chật chậu, cần tách bụi hay đánh chuyển sang chậu lớn hơn. Thời gian tách bụi tốt nhất là vào đầu mùa xuân khi cây hoa lan bắt đầu ra rễ mới. Cũng có thể tách vào mùa thu trước khi cây bước vào thời kỳ nghỉ. Chú ý không cắt bỏ những giả hành cũ, đã rụng lá vì nhiều loài lan Hoàng thảo có khả năng ra hoa trong nhiều năm trên một giả hành đã rụng lá.

Nhiều loài lan Hoàng thảo cần có thời kỳ nghỉ khô và lạnh mới ra hoa. Đặc biệt là các loài rụng lá theo mùa, ra hoa trên thân già rụng lá của năm trước. Trong thời kỳ nghỉ, cần tưới nước rất hạn chế, chỉ đủ để cây lan không bị khô. Không bón phân trong mùa này. Tưới nước trở lại khi thấy xuất hiện nụ hoa. Loài lan không rụng lá không có mùa nghỉ rõ rệt, cần giữ ẩm hơn vào mùa đông.

Các loài lan Hoàng thảo thường ưa sáng, khoảng 50-70% ánh sáng trực tiếp là thích hợp. Nơi trồng thông thoáng không khí giúp cây phát triển tốt vào mùa sinh trưởng.

Do có kích thước vừa phải, hoa lan đẹp nên lan Hoàng thảo là loài Lan có giá trị trang trí cao, thường thích hợp cho không gian tương đối hẹp. Một số loài lan Hoàng thảo lớn có thể dùng cho trang trí sân vườn. Chi lan Hoàng thảo được dùng phổ biến để lai tạo làm cây cảnh hay cắt hoa cắt cành.



Chi Lan kiếm (danh pháp khoa học: Cymbidium), còn gọi là Địa Lan hay Thổ Lan, là một chi thực vật gồm 52 loài thuộc họ Lan.

Cây lan có bộ lá xanh, bóng, đẹp, hoa lan nở vào dịp tết Nguyên Đán, đặc biệt hoa có hương thơm rất hấp dẫn như loài lan Mạc Đại Hoàng Biên – Cymbidium sp. Cây mọc nhiều ở vùng núi phía Bắc giáp Trung Quốc, vùng Hoà Bình, Lai Châu, Sơn La.
Một số loài địa lan cũng thuộc chi lan Kiếm nhưng nở hoa vào cuối tháng 9 đến tháng 11 dương lịch. Cây lan có bộ lá đẹp, cứng, hoa thơm, đặc biệt là những ngày có gió heo may mùi thơm lại càng hấp dẫn.
Đại diện cho loại này là Trần Mộng – Cymbidium sp, Đông Lan – Cymdibium sp. Cây phân bố rộng ở các vùng núi đá vôi thuộc các tỉnh phía Bắc.


Chi lan Ngọc điểm Rynchostylis: trong các giống lan Việt Nam có 3 loài. Các loài của chi này nổi bật với hoa chùm gồm nhiều hoa nhỏ xếp dày thành bông, màu sắc tươi tắn với mùi thơm nhẹ. Hoa lan Ngọc điểm tuy có kích thước lớn nhưng thân không vươn quá dài nên có thể vừa thích hợp cho trang trí sân vườn thích hợp cho trồng treo ở cửa sổ, ban công có diện tích hẹp hơn.
Là những loài lan có xuất xứ từ vùng thấp hay núi cao trung bình nên các loài lan Ngọc điểm dễ trồng và ra hoa tại Hà Nội. Rễ các loài lan Ngọc điểm lớn, phần nhiều bám vào gỗ hay chất trồng, ít khi buông rủ như rễ hoa lan Vanda hay hoa lan Giáng hương. Do đó trồng những loài này cần có chỗ bám cho rễ phát triển, thường cây phong lan được buộc sát vào gỗ hay thân cây cho rễ bò dọc theo gỗ. Hạn chế việc thay chậu, thay chỗ trồng vì sẽ làm tổn thương nhiều đến rễ đã bám vào chất trồng.
Các loài lan Ngọc điểm ưa sáng nhưng cần tránh nắng trực tiếp. Mùa hè cần tưới nước.


Chi Lan Giáng Hương Aerides: có 8 loài, là những loài phong lan đơn thân được ưa chuộng bởi có hoa chùm dại, màu sắc tươi, hương thơm và dễ trồng. Do có kích thước lớn các loài Giáng hương thường dùng để trang trí sân vườn, nơi có không gian rộng, các loài Giáng hương có xuất xứ từ vùng núi thấp hay núi cao trung bình. Phần lớn các loài cần được che bóng một phần, trồng ở điều kiện 40-70% ánh sáng trực tiếp. Mùa hè cần tưới nhiều nước nhưng tránh để đọng nước ở rễ. Mùa đông giữ ẩm vừa phải. Bón phân hàng tháng trong mùa sinh trưởng. Trồng chủ yếu là do bám gỗ hay thân cây để bộ rễ phát triển tự do, hạn chế chuyển chậu, thay gỗ vì làm tổn thương nhiều đến rễ.

Chi lan Vanda

Người ta chia làm 2 loại lan Vanda là Vanda rừng và Vanda lai ( Vanda cấy mô, vanda công nghiệp). Vanda rừng chỉ có 45 loài còn Vanda lai có tới hơn 1000 loài chính vì vậy mà màu sắc, chủng loại của chúng rất đa dạng.

Cây lan Vanda có thân mọc thẳng lên, lá dài xếp đều chia thành hai bên song song. Rễ nhiều và tỏa ra để hút chất dinh dưỡng. Để nhận biết loại lan này chúng ta cần phải dựa vào đặc điểm là đài hoa luôn lớn hơn hoặc bằng cánh hoa, nhất là các cặp đài hoa. Cánh hoa tuy hơi mỏng nhưng hoa lại rất bền. Hiện này loại hoa này gần như đã có đầy đủ các màu sắc từ đỏ, vàng, tím…..

Hoa lan Vanda được ưa chuộng bởi hoa lớn, màu đậm, bền và có hương thơm, kích thước cây tương đối lớn, thân dài, thích hợp cho trang trí ngoại thất. Các loài Vanda rừng được nuôi trồng trong các giống lan Việt Nam là những loài có lá dẹt. Mùa hè cây cần nhiều nước nhưng tránh úng nước ở rễ. 

Khi cây phát triển quá lớn, có thể tách cây sang chậu mới. Ngâm cây vào nước cho mềm rễ rồi mới tách để tránh làm tổn thương rễ. Trồng hoa lan Vanda cần có chỗ dựa cho thân và có chỗ cho rễ phát triển. Rễ hoa lan Vanda phát triển mạnh và nhiều thì cây mới ra hoa tốt. Có thể trồng cây vào chậu treo không có chất trồng. Trường hợp này, chậu chỉ làm giá đỡ, còn rễ phát triển buông ngoài không khí.

Chi lan khô mộc : Renanthera

Chi lan khô mộc trong các giống lan Việt Nam có 5 loài, là các loài lan khô mộc đơn thân có thân vươn dài, lá ngắn, dày, xếp thưa trên thân. Hoa chùm lớn, màu đỏ và vàng, rực rỡ.
Các loài lan khô mộc xuất xứ từ vùng núi thấp hay cao trung bình, hầu hết là các loài dễ trồng và ra hoa tại Hà Nội. Cây trồng trong chậu treo hay bám gỗ cho phát triển. Các loài lan khô mọc rất ưa sáng, có thể trồng không cần che nắng ở những chỗ không quá nắng. Do trồng chỗ sáng nên cây cần tưới nước nhiều vào mùa hè.

Chi lan Vũ nữ (Oncidium)

Hoa lan vũ nữ gồm khoảng 750 loài với nhiều tên gọi khác nhau như lan Oncidium hay Dancing lady, cây có xuất xứ tại miền Trung và Nam Mỹ.

Lan Vũ nữ thường mọc thành bụi, phần gốc do các bẹ lá làm thành. Lá vũ nữ thuôn dài, mỏng. Gốc cây vũ nữ có củ giả. Vũ nữ là loài có cụm hoa dài. Ngồng hoa thường cong dài rủ xuống trông rất bắt mắt. Lan vũ nữ có độ bền cao, hoa có thể nở trong thời gian 2-3 tháng.

Lan Vũ Nữ có màu rất đa dạng như đỏ, nâu, vàng, xanh, trắng, hồng. Lưỡi của hoa lan vũ nữ thường xòe ra như một chiếc váy cô gái, cùng với phối hợp 5 cánh. Mỗi bông hoa có hình dáng như một cô gái đang nhẩy múa.

Lan Vũ nữ có thân củ bẹ to hoặc nhỏ tùy loài. Phía trên thân củ bẹ là 1 lá - unifoliate hoặc 2 lá - bifoliate. Trong tự nhiên, lan Vũ nữ thường sống bám trên tảng đá hoặc thân cây với đặc điểm rễ vươn ra không khí và những nơi có sáng. Do không mọc dưới đất nên khi mang về vườn trồng, lan Vũ nữ chỉ sống được khi trồng vào chậu hoặc ghép vào gốc cây. Kỹ thuật chăm sóc lan Vũ nữ khá đơn giản.

Chi lan Hoàng yến (Ascocentrum)

Chi lan Hoàng Yến trong các giống lan Việt Nam có 3 loài, có thân ngắn, lá dày. Hoa chùm đứng, nhiều hoa xếp sát, nổi bật với màu sắc rất tươi tắn.

Có xuất xứ từ vùng núi thấp hay cao trung bình nên hầu hết các loài lan Hoàng yến dễ trồng và ra hoa tại Hà Nội. Cây có kích thước nhỏ, chủ yếu thích hợp cho trang trí bên cửa sổ, ban công.

Chi Lan Hài là một chi thuộc Họ Lan (Orchidaceae), được gọi là lan hài vì hoa có một cánh môi ở giữa có hình cái túi nhỏ nhìn giống như chiếc hài (giày phụ nữ thời phong kiến). Chi này chứa khoảng 80 loài đã được công nhận, trong đó có một số là lai ghép tự nhiên. Các loài lan hài này là bản địa của khu vực Hoa Nam, Ấn Độ, Đông Nam Á và các đảo trên Thái Bình Dương, và chúng tạo thành phân tông gọi là Paphiopedilinae chỉ chứa 1 chi này.

Chi Cát Lan hay chi Lan hoàng hậu (danh pháp khoa học: Cattleya) là một chi thực vật gồm 113 loài hoa lan
Đây là một chi gồm hầu hết các loài phong lan đẹp nổi tiếng và được nuôi trồng rộng rãi. Chi lan Hoàng Hậu phân bố nguyên thủy ở một vùng rộng lớn thuộc Châu Mỹ nhiệt đới.

Về hình dáng, chi lan Hoàng Hậu có thể chia làm 2 nhóm:

– Nhóm 2 lá, hoa thường nhỏ, chùm mang nhiều hoa (Bifoliate)

– Nhóm 1 lá, với rất nhiều biến dạng, có củ giả nạc, cụm hoa có một đến một vài hoa lớn (Monofoliata). Đa số các loài lan đẹp đều thuộc nhóm này. Hoa có cấu tạo rất đặc biệt, hoa to, cánh hoa nhăn nheo xếp tỏa rộng, hoa có màu sắc, hình dáng độc đáo và nở hoa quanh năm.

Các giống lan Việt Nam thuộc chi lan Hoàng Hậu có khả năng chịu nhiệt độ cao do đó thích hợp với điều kiện Việt Nam và chúng ngày càng được ưa chuộng.

Chi lan Lọng: Bulbophyllum
Chi lan lọng hay còn được gọi là chi lan củ. Với hơn 1800 loài, đây cũng là một trong các chi lớn nhất của toàn bộ giới thực vật, chỉ xếp sau Senecio và Euphorbia. Chi này được viết tắt trong các tạp chí thương mại với tên tiếng Anh Bulb.

Trung tâm đa dạng của chi này là rừng núi Papua New Guinea (hơn 600 loài) dường như là quê hương của tiến hóa dù chi này có mặt ở khắp xứ nhiệt đới và rộng khắp ở Úc, Đông Nam với hơn 200 loài ở Bomeo, Ấn độ, Madagasca (với 135 loài, một số loài bản địa),  Châu phi và các vùng nhiệt đới ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Chi Lan Thanh Đạm: Coelogyne
Chi Lan Thanh Đạm phân phối trên toàn Ấn Độ , Trung Quốc , Indonesia và Fiji đảo, với các trung tâm chính ở Borneo, Sumatra và dãy Himalaya. Chúng có thể được tìm thấy từ rừng nhiệt đới đất thấp đến rừng mưa trên núi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét