Thứ Hai, 10 tháng 4, 2023

Lan cattleya hắc tùng - Cattleya Hey Song

Cattleya hắc tùng là loài cattleya cho hoa to, cánh dầy và thơm. Đây là một giống cattleya được trồng đã khá lâu tại các nhà vườn. Lan cattleya hắc tùng có các màu như đỏ, chớp, cam. Cattleya hắc tùng dễ chăm sóc, dễ cho hoa. Chăm sóc tốt hoa có thể có kích thước khủng lên tới 20cm.

Lan cattleya hắc tùng cam (Hey Song Orange) 


Lan cattleya hắc tùng đỏ Rlc. Hey Song Red


 Lan cattleya hắc tùng chớp - Hey Song Amazing: loại lan này là dạng đột biến của lan hắc tùng đỏ và có giá cao hơn.




 


 



Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Lan Giáng Hương Sóc Lào - Lan bạch vĩ hồ - Aerides multiflora

Lan Bạch Vĩ Hồ - hay còn gọi là Sóc Lào, cây có danh pháp khoa học là Aerides multiflora.

Sóc Lào có hoa thường dài thành chùm thòng xuống khoảng 20-30 cm gồm rất nhiều bông nhỏ khoảng 2 cm san sát nhau, cánh hoa dày, thơm. Hoa Sóc Lào là sự phối hợp của màu trắng với nhiều chấm tím ở môi hoa và đỉnh cánh hoa, một điểm cộng là màu tím của Sóc Lào khá đậm và các chấm tím phân bố dày nên nhìn hoa có màu đậm đà hơn so với các loại Giáng hương khác.

Hoa thơm, mùi hương khá nồng và thường ra hoa vào dịp tháng 5 đến tháng 7. Độ bền khoảng 15-20 ngày.



Chăm sóc
Yêu cầu về điều kiện sinh thái để cây phát triển là nhiệt độ 20 đến 25 độ C, ánh sáng 605 và độ ẩm là 40 đến 70%.

Lan Bạch vĩ hồ khi trồng cần giá thể thật thoáng, tốt nhất là ghép lên gốc cây lũa, nếu trồng trong chậu thì cũng cần thoáng với một ít than to để giữ ẩm. Thời gian đầu mới cấy ghép nên tránh mưa để cây không bị thối ngọn. “Khi cây đã trồng ra rễ tốt thì cần tưới nước giữ ẩm hàng ngày ngay khi thấy giá thể khô. Tuỳ theo tiểu khí hậu từng vườn mà chọn cách tưới cho thích hợp. Mùa nắng thì nên tưới nhiều lần hơn, mùa mưa thì chỉ tưới khi thấy giá thể đã khô ráo



Khi cây đã ra rễ nhiều và bám chậu thì nên cung cấp thêm phân bón để cây phát triển nhanh, mập mạnh hơn. Với lan rừng thì đa số thích phân hữu cơ hơn phân vô cơ, nhưng cần tưới với liều lượng loãng, có thể tưới phân hữu cơ loãng hàng tuần và bón phân bón lá vô cơ 20-20-20 nửa tháng 1 lần để cây phát triển cân đối và được bổ sung các nguyên tố vi lượng giúp tăng sức đề kháng.


Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Các loài lan ưa nắng, thích nghi với không gian nhiều nắng

Để trồng lan khỏe mạnh phải nắm được đặc tính về chế độ nước và ánh sáng của cây. Ánh sáng, nước, không khí là những vai trò quan trọng bất bất biến của tất cả các loài thực vật. Với cây lan, có loại ưa khô, ví dụ như hoàng thảo đơn cam, hoàng thảo đùi gà. Có loại thì ưa ẩm như: hoàng thảo Thái Bình, Lan thủy tiên, vảy rồng...Rồi có những loại thích khí hậu mát mẻ và khó sống tại vùng nóng như: hoàng thảo u lồi, hoàng thảo long nhãn... Một số loài ưa ánh nắng vừa phải sáng chiều như kiều mỡ gà, hoàng thảo tích tụ, lan hoàng nhạn ... Và trong đó phải kể đến những loài lan ưa nắng, khỏe, thích hợp và trồng được ở những ban công đầy nắng mà không có lưới che. T 

Trồng những cây lan khỏe và ưa nắng đến mấy thì cũng cần phải chú ý tránh ánh nắng trực tiếp của những mùa hè khắc nghiệt khi thời tiết từ 37độ trở lên. Bất cứ loại lan nào cũng có thể bị bị cháy lá, héo khô hoặc thối nhũn. Trời nắng quá vẫn phải để vào nơi mát mẻ 60% nắng. Tránh tưới vào ngọn non khi nắng sắp lên, kể cả là buổi sáng. Những trường hợp đó cây rất dễ bị thối nõn. Ngoài ra dù cây chịu nắng và thích ẩm thì họ nhà lan vẫn cần thoáng rễ, có khoảng thời gian khô rễ sau các lần tưới. Các loại lan ưa nắng có thể kể đến sau đây:

1) Lan huyết nhung
Được mệnh danh là lan bờ rào vì sức sống khỏe và đặc tính ưa nắng. Chỉ cần tưới đủ, không quá nóng thiêu đốt thì vứt đâu lan cũng sống.

2) Lan sậy: Arundina graminifolia
Cũng được mệnh danh là lan bờ rào, lan sậy ưa nắng, tưới đủ và có nắng là cây phát triển và ra hoa.

3) Lan chu đình tím
Lan chu đình là loài ưa nắng, không có nắng còn không chịu ra hoa. Là lan nhưng cây sống được trong đất. Có nắng hoa ra liên miên bất tận. Ngày nào cũng có hoa.

4) Lan kiếm lá cứng
Dòng lan kiếm lá cứng như kiếm lô hội, kiếm tiên vũ, kiếm đỏ đen, kiếm hai mầu khá ưa nắng. Có nắng cây sẽ phát triển tốt ra hoa đẹp. Để trong bóng râm cây khó ra hoa hoặc hoa bé.

5) Lan dendro nắng
Nghe cái tên đã biết loài này hám nắng, thích nắng. Cây ra hoa mạnh khi có nắng và dòng này khá siêng hoa. Cây khỏe, dễ chăm sóc. Dòng này được nuôi cấy mô và nhập bạt ngàn từ Thái Lan về.

6) Lan kiều tím
Trong các dòng lan kiều thì kiều tím là dòng chịu nắng tốt nhất. Trồng thuần phơi nắng thoải mái. Khác với những dòng như kiều mỡ gà hay kiều dẹt đều chịu nắng kém.

7) Lan hoàng thảo thân thòng: Phi điệp, trầm tím, Long tu, hoàng thảo vôi, hoàng thảo thập hoa, lan hoàng phi hạc, hạc vỹ, hoàng thảo thái bình, đùi gà tròn, hoàng thảo đơn cam, báo hỷ, hoàng thảo long nhãn, hoàng thảo kim thoa.... Các loài này đều ưa nắng, tuy vậy nắng vừa phải, nắng gắt quá thì cũng không tốt cho những loài này. Nhất là với long tu, ưa nắng nhưng phải mát mẻ.

8) Lan hoàng lạp
Lan hoàng lạp có giả hành to, bộ rễ cũng khá khỏe, lá không quá lớn nhưng khá cứng. Lan hoàng lạp ưa nắng. Hoa vàng rực rỡ rất đẹp. Biến thể là lan sơn thủy tiên cũng có những tính chất tương đương.


9) Lan Vanda và lan Mokara
Đây là hai dòng lan khỏe, không cần giá thể, tưới đủ vẫn lên ầm ầm. Những cây này thiếu nắng tốc độ phát triển sẽ kém đi hẳn.

10) Lan huệ đồng và lan bắp ngô
Đây là hai loài lan cây to nhưng hoa nhỏ và thơm. Trong tự nhiên cây to khỏe, chịu được nắng, đủ nước rất ít khi cây rụng lá. Có thể coi đây là những dòng lan to khỏe chơi lá là chính.

11) Lan ống điếu
Lan ống điếu có giả hành lớn giữ nước, khả năng chịu nắng của cây rất rốt. Lan ống điếu có thể chịu nắng 100%.

Với những cây lan trồng trong môi trường nhiều nắng để lá luôn xanh không bị vàng lá có thể bón thêm amino sắt để giúp cây tăng quang hợp chống vàng lá.

 


  



Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Các loại hoa lan cho hương thơm

Ngoài sắc thì hương thơm của hoa lan chính là yếu tố quan trọng nhất của một cây hoa lan. Phong lan là dòng cây nổi tiếng về hương thơm. Một cây lan cho hương thơm có thể sẽ phải nhanh tàn hơn vì mất sức, hoặc cũng do có hương thơm nên dễ thụ phấn hơn mà không cần thời gian lâu để chờ đợi ong bướm. 

+Dòng hoa lan thân thòng đa phần vừa cho hoa đẹp vừa cho hương thơm nhẹ nhàng: Lan phi điệp, lan hạc vỹ, lan long tu, lan trúc phật bà, lan đùi gà, lan nhất điểm hồng, lan đơn cam, lan chuỗi ngọc .... Thơm nhất trong nhóm hoàng thảo có thể kể đến lan trầm, cả trầm tím lẫn trầm vàng đều hương thơm trầm đặc trưng. Hoàng thảo vôi cũng thơm nhưng hương thơm nhẹ, cả vườn trồng hoàng thảo vôi thì mới nhận thấy rõ hương thơm ấy.


+Dòng lan giáng hương nổi tiếng về hương thơm: gần như toàn bộ cây lan giáng hương đều có hương thơm. Hoa vừa đẹp lạ cho hoa thơm, kể đến như lan giáng hương quế nâu, giáng hương hoàng nhạn, giáng hương cửu bảo tiên, giáng hương tam bảo sắc .... Chơi lan giáng hương như tam bảo sắc có thể tạo bụi rậm rạp nhưng khi mùi hương tỏa ra ngào ngạt thì không thể không mê đắm.

+Dòng lan dendro nắng, dendro xuân cho hương thơm khác hẳn với dendro màu không có hương. Nổi tiếng thơm có thể kể đến Dendro pensoda với hương thơm đậm đà quyến rũ. Dendro bà liễu xưa cũng thơm nức tiếng. Dendro xuân hoa bền và thơm. Dendro tai thỏ xưa, dendro banana cũng có vẻ đẹp và hương thơm đáng để sưu tầm và thưởng thức. 

+Dòng lan kiều hầu hết đều cho hương thơm: Kiều mỡ gà, kim điệp, kiều dẹt, hoàng lạp, lan vẩy rồng là những dòng lan thân thuộc. Dòng lan kiều cho hoa thơm nhưng độ bền của hoa không cao chỉ khoảng 7-10 ngày.

+ Cây lan nổi tiếng thơm trong ngày tết phải nhắc đến lan đai châu. Mùi hương đai châu là mùi hương đẳng cấp của tết cổ truyền. Đai châu cho hương thơm nồng nàn nhất vào ban ngày khi nắng ấm. Càng nắng ấm cây cho hoa càng mạnh.

+Một số cây lan đơn thân như lan mỹ dung dạ hương, lan cẩm báo, lan bắp ngô đều có hương thơm. Lan mỹ dung dạ hương là cây lan vanda nổi tiếng với hương thơm về đêm. Lan cẩm báo cũng là loại lan vừa có hương lại lâu tàn. Lan bắp ngô với những hoa nhỏ xíu nhưng mùi thơm lại không lẫn vào đâu được.

+Lan hài với nhiều cây cho hoa đẹp, có giá trị và rất thơm. Những cây lan hài sống thấp dưới mặt đất nhưng cũng không chịu thua kém, những cây như lan hài hằng, lan hài hương.

+Lan kiếm tiên vũ với những dòng đột biến nổi tiếng như Kiếm xanh huế, kiếm phan trí đều có hương thơm dịu dàng. Những dòng địa lan cổ như lan trần mộng với hương thơm nổi tiếng được ghi trong sử sách.

+ Dòng lan nhập khẩu từ Nam Mỹ cho hương thơm: Những cây như: Nữ hoàng bóng đêm - Brassavola nodosa với hương thơm về đêm. Lan cattleya với hoa rất to và thơm. Dòng lan vũ nữ cho hoa thơm như Vũ nữ socola, Vũ nữ trắng Santanaei. Lan tóc tiên hương dừa với  mùi hương kẹo dừa. Lan cẩm cù thơm về đêm, thân cây leo và thuộc họ hoa thiên lý.





Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Lan sao biển - Angraecum

Lan sao biển là tên chung của chi lan có tên khoa học là Angraecum. Hiện nay có 221 loài angraecum được tìm thấy. Các loài mới vẫn được tìm thấy trong rừng mưa của Madagascar. Lan Sao Biển bắt nguồn từ những khu rừng nhiệt đới có thể tìm thấy chúng ở Comoros, seychelles, mascarenes.

Màu sắc của hoa lan sao biển hầu hết là màu trắng, một số có màu ngả vàng, màu đỏ hoặc xanh lá cây. Các cánh hoa của lan sao biển dầy và nhọn, 5 cánh khi xòe rộng như là con sao biển, hoa lâu tàn. Hoa của lan sao biển tỏa ra một mùi hương ngọt ngào thậm chí nồng vào ban đêm giống như brassavola. 

Cách trồng lan sao biển

Lan sao biển đa phần thích trồng nơi râm mát, ánh sáng sớm hoặc chiều tối, ánh sáng 50-60%. Lan sao biển phát triển tốt ở những vùng có khí hậu ấm hoặc nhiệt độ trung bình từ 15-28 độ C. Lan sao biển có thể trồng ghép gỗ hoặc trồng chậu với chất trồng  như với các loài lan biểu sinh khác. Nên dùng những chất trồng có kích thước lớn hơn do chúng có bộ rễ lớn. Nếu trồng chậu thì tùy giá thể mà chậu cho cây. Nên dùng một cái cọc để cho chúng leo lên đối với những loài có thân cao như Angraecum birrimense. 


Chế độ nước: Như các loài lan khác, lan sao biển cần chế độ khô giữa hai lần tưới. Ở giai đoạn cây còn non sẽ cần nhiều độ ẩm hơn. 



Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Lan hoàng thảo vôi - Dendrobium cretaceum

Lan hoàng thảo vôi có danh pháp khoa học là Dendrobium cretaceum, đồng danh Dendrobium polyanthum và Dendrobium primulinum. Hoàng thảo vôi là loài phong lan khá dễ trồng, khi cây khỏe mạnh ưa nắng. Hoàng thảo vôi thuộc dòng thân thòng nên thường được ghép vào bảng dớn, ghép gỗ, ghép gáo dừa, hoặc trồng chậu với vỏ thông ... Hoàng thảo vôi cho hai màu hoa trắng và tím, hoa có mùi thơm thoang thoảng. Hoa bền khoảng 15-18 ngày, tùy điều kiện thời tiết.



Hoàng thảo vôi có thân rất giống Long tu xuân 

Thân của chúng đều có các bớt lõm và thân phủ nhiều lớp vỏ phấn thường hay bị bong tróc lớp vỏ này. Khi chưa có hoa, thường thì rất dễ nhầm và ghép lẫn hai loại này với nhau. Thân lan hoàng thảo vôi kể cả thân già hoặc thân tơ đang nghỉ mà bị tróc lớp vỏ, ta thấy thân có màu xanh hoặc xanh ngả vàng. Còn thân già của Long Tu Xuân có màu nâu, thân già cấc thì còn có màu nâu sẫm hẳn như màu cà phê. Trên một giề lan luôn có thân già với thân tơ, vậy nhìn cả giề có nhiều thân xanh vàng thì là lan hoàng thảo Vôi, giề có thân già màu nâu thì là lan long tu xuân.


Cách trồng lan hoàng thảo vôi

Vào mùa đông ở ngoài Bắc khi cây đang nghỉ là thời điểm ghép hợp lý nhất. Lúc này lá đã rụng nhiều, các mắt lúc này đang ngậm nụ bên trong đến khi chồi non chưa ra rễ. Khi mới ghép nên để nơi mát mẻ nắng nhẹ vừa phải. Mua hàng cân về ghép trong mùa đông thì qua Tết âm gần nhất sẽ ra hoa.

Khoảng tháng 3 dương lịch, cây ra nụ cũng là lúc ở gốc các thân mẹ bật lên các chồi con. Tưới vừa phải nước, tưới  ít phân để chống mầm non bị thối nhũn. Ánh sáng cho cây phát triển khoảng 40%-60%, trực tiếp nắng dưới một lớp lưới đen là vừa. 

Khi nào cây phân nụ, nhìn thấy rõ ràng nụ mọc dài ra rồi thì tưới thoải mái toàn bộ cây hàng ngày, đủ độ ẩm để đảm bảo nụ không bị teo. Cơ bản là cây đủ dinh dưỡng trong mùa sinh trưởng, cắt nước đúng lúc vào mùa nghỉ và đảm bảo chế độ hưởng nắng thì sẽ phát triển tốt và có hoa

Sau kỳ hoa thì tới mùa sinh trưởng của các thân con. Khi nào mầm non ở gốc dài được 7-10 cm và rễ non ra dài 2-3 cm thì bắt đầu tưới phân để mầm non phát triển. Giai đoạn này chủ yếu bón phân giàu Đạm như NPK 30-10-10 hoặc 20-20-20 và B1 cho lan hàng tuần với liều lượng loãng hơn hướng dẫn một chút. Ngoài ra cũng có thể dùng phân hữu cơ như phân bò, dê đóng túi hoặc dùng phân chậm tan mua sẵn đựng trong các túi lưới cũng được.




Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

Lan ngọc thạch ba màu- Dendrobium crystallinum

Lan ngọc thạch ba màu còn có tên khoa học là Dendrobium crystallinum. Tại Việt Nam, lan ngọc thạch cũng được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: lan ngọc vạn pha lê, lan phi điệp đơn, thạch hộc kim, hoàng thảo hoa sen.

Lan Ngọc Thạch có hoa rất đẹp và rất được ưa chuộng. Loài hoa này được đánh giá cao về cả “hương” lẫn “sắc”. Lan Ngọc Thạch có hoa nở nhiều đợt trong năm, thường rơi vào thời khắc mùa xuân và mùa hè. Hoa bền khoảng 15 ngày.


Lan ngọc thạch 3 màu bao gồm các màu trắng, vàng, tím. Còn dạng đột biến sẽ chỉ có 2 màu trắng vàng (Dendrobium crystallinum var. alba).


Trồng và chăm sóc lan ngọc thạch 3 màu

Lan ngọc thạch ba màu ưa ánh sáng và cần 70% ánh sáng để phát triển tốt. Thiếu ánh sáng cây chậm phát triển và khó ra hoa.

Cây ưa ẩm nhưng cần thoáng, chỉ nên tưới xung quanh rễ và không tưới trực tiếp vào gốc.

Lan ngọc thạch thuộc chi Hoàng thảo và có mùa nghỉ đông giống như Lan Phi Điệp. Chúng sẽ rụng hết lá trước khi nở hoa. Đồng thời, các mắt ngủ ở phần gốc cây hoa cũng tiếp tục phát triển mạnh và hình thành những hành giả mới.


Thứ Hai, 15 tháng 11, 2021

Chăm hoa lan hồ điệp nở đúng tết

Với thời tiết thuận lợi, cây hoa lan hồ điệp cần thời gian 2 tháng từ lúc nhú mầm vòi hoa đến lúc bông hoa đầu tiên hé nở. Đồng thời, do lan hồ điệp rất lâu tàn nên ta cần chăm sóc cho nó trổ bông trước mùng 1 Tết khoảng 15-20 ngày để hoa có thể nở rộ vào Tết. Do đó, để lan Hồ Điệp nở đúng vào dịp Tết Nguyên Đán thì ngay từ tháng 9 Âm Lịch cây phải nhú mầm vòi nụ rồi thì mới có khả năng nở hoa đúng Tết. Thậm chí với nhiệt độ lạnh ngoài bắc thì tháng cuối 8 âm lịch cây nhủ mầm hoa sẽ đảm bảo hoa chơi tết.


Thường thì lan hồ điệp có thể cho hoa quanh năm tùy vào lực của cây. Vào dịp tết là chính vụ, cây sẽ dễ cho hoa hơn cả. Sau tết chơi hoa xong, cây còn lực thì vẫn có thể bắn mầm hoa và tiếp tục cho hoa. Một số cây có thể ngắt mầm hoa đó đi để dưỡng lực cho cây. Một số cây thực sự khỏe mới có thể tiếp tục chơi đợt hoa mới ngay sau tết. Còn như nếu cây ra mầm hoa vào tháng 6-7 âm lịch thì nên ngắt đi để tránh việc chơi hoa trước tết, đến gần tết không còn lực để ra hoa. 

Muốn lan hồ điệp nở đúng tết phải đảm bảo cây được chăm sóc khỏe và có lực. Chế độ phân bón nhiều hay ít, quan trọng nhất là nắng. Thường trong năm khi nuôi lan hồ điệp trong môi trường quá râm thiếu ánh sáng, lá cây có thể xanh mướt nhưng cây sẽ không đủ lực để bắn mầm vòi hoa vào cuối tháng 9. Nhiều cây thiếu nắng thường cho hoa muộn sau tết, có cây ra muộn cả tháng, có cây thậm chí ra vòi hoa nhưng không đủ lực cho nụ hoa lớn và nở. Lan hồ điệp không ưa ánh sáng mạnh dễ làm cháy lá, bỏ lá chân, nhăn lá, mềm lá. Nhưng thiếu ánh sáng thì cây cũng không thể cho hoa đúng dịp tết. Ánh sáng cho hồ điệp phải đảm bảo 30-50%.

Thường khi lan hồ điệp trưởng thành,có ít nhất khoảng 3-4 cặp lá, rễ khỏe là cây đã đủ lực ra hoa. Trước tháng 9 âm thì chỉ nên bón phân ra lá có hàm lượng đạm cao (Nitơ cao). Đến giữa tháng 9 âm chưa thấy hoa nhú vòi nụ thì nên phun thêm kích hoa với hàm lượng lân cao (phốt pho cao). Cách 1 tuần phun định kỳ theo liều lượng.

Đến khi vòi hoa có độ dài khoảng 2 – 3 cm, chúng ta sẽ sử dụng phân bón lá có hàm lượng Kali cao thường là phân 10-20-30 (hàm lượng Kali cao). Cách 6 – 7 ngày thì phun cho cây một lần để kích thích cho vòi hoa phát triển nhanh hơn. Đồng thời, loại phân bón này cũng sẽ giúp cho màu sắc của hoa sau khi nở được thắm hơn, lâu tàn hơn và tránh được nguy cơ thối hoa.

Sau khoảng 45 – 50 ngày, tức là khoảng vào đầu tháng 12 âm lịch, cành hoa bắt đầu nở bông đầu tiên, và sau 1 tháng, cây lan sẽ nở hoa rộ vào ngày tết nguyên đán. Lan hồ điệp trồng tại nhà với lực khỏe, có thể không to dài bằng hàng nuôi công nghiệp nhưng thường sẽ lâu tàn hơn so với những cây lan hồ điệp mua tại hàng hoa dịp tết.

 


Thứ Tư, 3 tháng 11, 2021

Cách trồng và chăm sóc cây lan mùa gió hanh hao

Thời tiết hanh khô là đặc sản của khí hậu miền bắc. Khi gió mùa đông bắc thổi về, trước đó sẽ là những cơn mưa phù lạnh. Sau đó là gió khô lạnh thổi sạch hơi âm ẩm. Khí hậu hanh khô kèm theo nắng khiến da người nứt nẻ, còn với cây lan cũng nhanh mất nước. Biểu hiện cây vàng lá, mềm lá, gốc khô cong. Để lâu cây sẽ khô đét và thậm chí khó phục hồi nếu thiếu nước lâu. Vào mùa hanh, một số cây ra hoa gặp thời tiết như vậy cũng rất nhanh héo tàn. Dòng cây có lá đơn thân thì nhanh bỏ lá chân và các lá còn lại sẽ nhăn nheo.

Thường trong thời tiết hanh, những vườn nào có nhiều gió sẽ càng chịu tác động nhiều. Thời điểm này cây gần như không ra rễ non và lá non. Cây sống và duy trì năng lượng để ra hoa hoặc chờ đợi xuân để nẩy mầm. Những ngày nắng hanh khô, cần tưới dẫm cho cây, thậm chí ngâm cây hẳn vào chậu nước nếu không có thời gian tưới nhiều. Thời tiết hanh khô, treo lan chỗ gió và lạnh tỷ lệ thối thường rất ít. Chỉ một số cây có giá thể như rêu và giá thể lâu năm đã mùn nhiều thì mới cần tưới vừa phải. Những cây ghép gỗ, mới ghép hoặc trồng than củi, cây trên mái nhà ăn nắng nhiều thì càng nên tưới nhiều. 

Thời tiết bình thường thì nên dùng bình phun để kiểm soát lượng tưới và tưới đều cho cây, nhưng khi thời tiết hanh thì có thể đổ thẳng nước trược tiếp một cách nhẹ nhàng vào chậu lan kèm tưới phun ướt đẫm thân lá vào sáng hoặc chiều. Ngoài ra nếu chỗ gió quá nhiều thì có thể tạm treo lan vào nơi ít gió và ít nắng để hạn chế tình trạng mất nước của cây. 

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Lan Brassavola - hương đêm nồng nàn

Lan Brassavola có nguồn gốc từ Mexico xuống tới Nam Mỹ. Lan Brass được nhà thực vật học người Scotland đặt vào năm 1813 theo tên một thầy thuốc người Ý. Ban ngày cây không thơm, đêm đến mới tỏa hương ngào ngạt. Vì thế, lan brassavola còn được biết đến với những tên gọi đậm chất thơ như “Giai nhân bóng đêm”, “Nữ hoàng bóng đêm”. Cánh hoa nhỏ dài tô điểm cho lưỡi hoa to.

Trong tự nhiên, lan Brassavola có khoảng 20 loài, chúng sống phụ sinh trên những thân cây ở độ cao 1000 - 1300 m, nhưng không hút dinh dưỡng từ những cây này mà lại lấy dinh dưỡng từ môi trường không khí.

Brassolaelia Morning Glory

Lan Brassavola mọc trên thân cây cao nên khi trồng trong điều kiện vườn trồng, người ta thường ghép lan trên những thân cây hoặc trồng trong chậu với giá thể là vỏ cây hay những miếng gỗ nhỏ.


Lan brass thường không cho nhiều hoa nở rộ nhưng kích thước hoa lớn nên thu hút được ánh nhìn. Màu sắc hoa đa dạng, từ xanh trắng, trắng, vàng đến nâu. Khi mới nở lan brass có màu đậm, rồi từ đó đổi màu, màu sẽ thường nhạt dần. Ví dụ như brass ruby star thì lúc đầu nở là đỏ, sau đó sẽ đổi màu dần xuống tím.

Một số loài trong chi lan Brass

+ Lan Brassavola nodosa: Cây này thơm ngào ngạt và quyến rũ (giống mùi hương cam, quýt) về đêm vì thế mà những nhà sưu tầm lan đặt cho nó cái tên mỹ miều là Nữ hoàng bóng đêm, giai nhân bóng đêm. Cũng có lẽ vì khi loài này du nhập vào Việt Nam sớm, nên về sau này mọi người hiểu nhầm là chi lan Brassavola và những cây lai từ Brassavola đều có tên là “Nữ Hoàng Bóng Đêm” nhưng thực chất chỉ duy nhất Brassavola nodosa mới có tên gọi là “Nữ Hoàng Bóng Đêm”.

Lan Brassavola nodosa
+Lan Brassavola subulifolia

Lan Brassavola subulifolia
+ Lan Brassavola tuberculata

Lan Brassavola tuberculata
+Lan Brassavola Haybird




+Lan Brassavola acaulis

Brassavola acaulis
Chế độ chăm sóc lan Brassavola:
Lan brass có lá tròn như cái đũa nên chịu khô và ánh sáng mạnh rất tốt. Cây thích ánh sáng nhiều, một số cây khỏe mạnh còn yêu cầu ánh nắng mặt trời trực tiếp. Lan brassavola chịu được nhiệt độ cao, nhưng chỉ có thể chịu được lạnh với nhiệt độ  xuống 4 độ C. Nhiệt độ lạnh làm lá cây thâm và cây cây yếu, lạnh ẩm dễ làm hỏng và thối rễ cây.

Về chế độ nước: Lan Brassavola ưa ẩm vừa phải, bộ rễ phải thoáng, khi cây phát triển cho ăn nắng nhiều thì cần tưới nhiều nước, bón nhiều phân để cây mọc mạnh. Tuy nhiên, khi cây ngừng tăng trưởng, bước vào mùa nghỉ để chuẩn bị ra hoa thì nên ngừng tưới. Thời điểm ra hoa có thể bất kỳ lúc nào trong năm, nhưng thường là mùa hạ.

Trồng Lan Brassavola trên gỗ thường phát triển tốt hơn trong chậu. Nhiều chậu ẩm nhiều cây dễ úng rễ, cây không chết nhưng sống khá lay lắt. Lan brassavola khá dễ trồng, sức sống khỏe đúng chất lan rừng.